Người dân thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam dùng lưới tạo thành
những chiếc bè vớt rong biển mang vào bờ với số lượng bình quân mỗi người vớt
được 100kg mỗi ngày.
|
Ông Diệp Nghĩa Thành, 60 tuổi ở thôn Sơn Hải cho biết, rong biển
là nguồn lợi thủy sản tự nhiên của biển, có rất nhiều ở vùng biển Sơn Hải từ
bao đời nay. Cứ đến thời điểm nói trên, theo thủy triều và sóng biển đánh dồn,
rong biển lũ lượt dạt vào bờ.
Hằng ngày, có từ 40 - 50 người trong thôn đi vớt rong biển mang
đi phơi khô rồi bán cho thương lái với giá ba nghìn đồng/kg cung ứng cho những
cơ sở trong và ngoài tỉnh sử dụng chế biến thức ăn gia súc, phân bón vi sinh.
Những năm gần đây, nhờ thị trường tiêu thụ nhiều, bà con vớt rất nhiều rong
biển để bán. Nhờ đó, tạo thêm việc làm ổn định nhiều tháng liền cho những người
không có điều kiện đi theo các tàu lớn khai thác hải sản vẫn có được thu nhập,
nâng cao đời sống…
Chị Lê Thị Diễm tâm sự: "Trước khi vào mùa vớt rong biển, những
lao động trong gia đình tôi làm công bằng nghề phơi cá thuê cho các cơ sở
buôn bán cá khô trong làng. Hơn ba tháng nay, có thu nhập thêm từ nghề vớt
rong. Cứ sáng sớm mỗi ngày, anh em tôi ra biển vớt rong rồi mang phơi khô và
đóng bao bán cho thương lái đến mua tận nơi. Với thu nhập bình quân 250 nghìn
đồng/ngày/người, cao gấp 1,5 lần so với nghề phơi cá thuê”.
Theo ông Ngô Xuân Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, bà con
không tốn chí phí khi đi vớt rong biển, người nào chịu khó thì vớt được nhiều.
Từ tháng ba đến nay, rong biển trôi vào bờ nhiều gấp hai đến ba lần những năm
trước, nên bà con trúng đậm. Với số lượng rong nhiều như hiện nay, người dân
Sơn Hải sẽ vớt rong đến khoảng cuối tháng tám năm nay mới hết mùa.
|
TheoNhandan