Công ty 36-67 huy động nhân lực, máy móc hoàn thiện gói thầu XL 9, đoạn xã Yên Quang (Kỳ Sơn).
Được xác định là tuyến đường huyết mạch quan trọng, kết nối hành lang vận tải Hà Nội - Tây Bắc, bảo đảm AN-QP, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7 km, có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17 + 85 - quốc lộ 21), điểm cuối tại km 32 +367, tương ứng với km 67+510 - lý trình quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, TP Hòa Bình. Từ khi triển khai đến nay, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và phải gia hạn nhiều lần. Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo phải hoàn thành dự án vào ngày 31/8, nhà đầu tư đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc về mặt bằng, tổ chức thay thế những nhà thầu năng lực yếu, lập kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức giao ban tại công trường, chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc triển khai thi công theo tiến độ cam kết. Mặc dù vậy, dự án vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn do ngân hàng dừng giải ngân. Đến ngày 11/7, Ngân hàng SHB mới nối lại việc giải ngân cho dự án và chỉ còn việc tổ chức thi công các hạng mục.
ông Bùi Quang Bát cho biết thêm: Chính quyền các địa phương đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, tổ chức bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, nhà thầu đủ điều kiện triển khai thi công đồng loạt toàn tuyến. Đến nay, giá trị sản lượng đạt khoảng 71% khối lượng. Nhiều đoạn tuyến đã thảm nhựa bê tông. Riêng địa phận Hòa Bình cơ bản thông xe.
Tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng tiến độ thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng thời yêu cầu đường Hòa Lạc - Hòa Bình phải đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/8/2018, triển khai hạng mục còn lại để khánh thành vào ngày 10/10 tới. Hiện tình hình thời tiết diễn biến không thuận lợi, nhà đầu tư cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ nhân lực, máy móc, thiết bị mới có thể hoàn thành dự án theo kế hoạch của Bộ GTVT. Bộ trưởng cũng yêu cầu: Nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện các hạng mục cọc tiêu, biển báo, kẻ đường… đồng thời đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình và công tác bảo đảm an toàn giao thông khi tổ chức thi công. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát, các hạng mục thi công phải đúng quy trình, quy phạm, đảm bảo chất lượng như hồ sơ thiết kế. Nhà đầu tư phối hợp với chính quyền tỉnh Hòa Bình và Hà Nội sớm cắm mốc mặt bằng và tổ chức quản lý để phục vụ quá trình mở rộng quy mô dự án thành đường cao tốc trong tương lai. Theo các nhà chuyên môn, với năng lực của các nhà thầu hiện tại, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, khó khăn về nguồn vốn đã được khai thông, đường Hòa Lạc - Hòa Bình chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu về tiến độ, khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu Hòa Bình và Thủ đô Hà Nội.
L.C