Ngày 18-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Summit 2018). Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN); các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn.

Được tổ chức lần đầu năm 2011, đến nay, Vietnam ICT Summit đã trở thành một diễn đàn chính sách, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quy mô quốc gia, quốc tế uy tín nhất của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Kết quả trao đổi, thảo luận tại các diễn đàn hằng năm đều góp phần quan trọng trong các văn bản chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành và của đất nước.

Diễn đàn năm nay có chủ đề "Hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số”, đặt trọng tâm là thu nhận những kinh nghiệm của các nước đi trước, tập hợp tri thức các chuyên gia, DN, nhà hoạch định chính sách nhằm đề xuất các giải pháp, chương trình thực hiện ngay trong giai đoạn 2018-2020 để cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cùng đồng tâm hiệp lực để hành động thành công; nhấn mạnh, trước hết là xây dựng thành công Chính phủ điện tử (CPĐT) tiến tới Chính phủ số ở Việt Nam - một chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu, phải bắt tay vào ngay.

Thủ tướng cho rằng, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa và tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo, đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số (KTS). Vì vậy, Diễn đàn cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về những đặc trưng cơ bản của KTS... từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển KTS.

Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.

Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại KTS.

Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm "hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, "nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm, lộ trình cụ thể và thiết lập hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Thủ tướng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng nền KTS Việt Nam chung quanh ba trụ cột chính. Đó là hạ tầng và dịch vụ số, bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Tiếp theo là tài nguyên số, bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và thứ ba là chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ CPĐT sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc xây dựng CPĐT phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là phó thủ tướng, bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp các nhiệm vụ trong xây dựng CPĐT; đồng thời, có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng CPĐT, cụ thể là đầu tư ứng dụng CNTT; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân; xác thực điện tử cá nhân, tổ chức; hệ thống báo cáo điện tử; văn thư lưu trữ điện tử...

Thủ tướng cho rằng, việc bảo đảm cho thành công là yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc CMCN4.0.

Bên cạnh đó là phát triển công nghệ. Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc CPĐT; rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Cần dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển CPĐT trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia. Cho rằng, văn hóa chia sẻ và hợp tác chưa đi vào tư duy của nhiều người, đây được xem là một trong những rào cản rất lớn trong việc phát triển nhanh Chính phủ số, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPĐT, KTS, hạ tầng số.

Thủ tướng yêu cầu, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) báo cáo Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Diễn đàn; đồng thời, giao VINASA chủ trì cùng các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng CPĐT, thúc đẩy KTS tiếp cận CMCN4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

* Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề, gồm: Xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số với mục tiêu hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, DN; Kinh tế số với mục tiêu khát vọng Việt Nam tiên phong thúc đẩy KTS, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận thách thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Hạ tầng số với mục tiêu đáp ứng yêu cầu xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số và phát triển KTS Việt Nam.

TheoNhanDan


Các tin khác


Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huy động trên 11 nghìn ngày công làm công tác dân vận

Thực hiện công tác dân vận, trong 5 năm qua (2019 - 2024), LLVT tỉnh và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã tổ chức 47 đợt "Hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận”. Qua đó huy động 11.132 ngày công của CB,CS, trên 1.000 lượt phương tiện tham gia giúp dân lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục