Mía trắng là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cho người dân xã Yên Lập (Cao Phong).
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây mía trắng được xem là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, do tác động của thị trường và diễn biến thời tiết phức tạp dẫn đến giá mía sụt giảm. Cao điểm chỉ bán được 4.500 đồng/cây, còn lại giá trung bình khoảng 2.000 đồng/cây, bằng 1/3 giá mía trước đây. Ngoài ra, một số hộ phát triển chăn nuôi lợn cũng gặp khó khăn khi giá lợn "lao dốc”. Mặc dù trong thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng trở lại nhưng nhiều hộ vẫn e ngại tái đàn. Bên cạnh đó, trên địa bàn không có doanh nghiệp và xí nghiệp, vì vậy không giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.
Trước những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân năng động, sáng tạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ người dân xây dựng các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập. Đến nay, người dân địa phương vẫn lựa chọn mía là cây trồng chủ lực với diện tích 180 ha. Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm trên 8.000 con. Bên cạnh đó, từ năm 2015 trở lại đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích vườn để trồng cây ăn quả có múi. Trong đó chủ yếu là các giống cam V2, cam lòng vàng, bưởi Diễn… Dự kiến niên vụ 2018- 2019, nhiều hộ sẽ cho thu hoạch.
Để giúp các hộ có điều kiện phát triển và mở rộng mô hình kinh tế, xã Yên Lập phối hợp với 2 kênh vay vốn tại Ngân hàng CSXH, NN&PTNT huyện Cao Phong. Qua đó tạo điều kiện cho 700 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 30 tỷ đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Tường ở xóm Đảy, một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Nắm bắt xu thế của thị trường, anh Tường phát triển đa dạng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ vận tải hàng hóa. Hiện nay, trồng trọt là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Tường. Trong đó, diện tích mía trắng 10 ha và 8 ha cây ăn quả có múi. Năm 2017, gia đình anh Tường thu về 800 - 900 triệu đồng từ các mô hình kinh tế, lợi nhuận sau chi phí khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 - 8 lao động với thu nhập 4 triệu đồng /người/tháng.
Anh Tường cho biết: "Hiện tại, cây mía chiếm đến 60% tổng thu nhập của gia đình tôi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, giá mía sụt giảm và lợi nhuận đem lại không cao như trước. Vì vậy, tôi đã chuyển sang trồng cây ăn quả có múi để nâng cao thu nhập”.
"Hiện nay, Sở KH&CN đang triển khai, hỗ trợ người dân Yên Lập trồng thử nghiệm 0,5 ha thanh long và trám đen. Ngoài ra, trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua mía để có đầu ra ổn định cho bà con. Qua đó nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống cho người dân”, đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Đức Anh