Vào vụ, dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến trung tâm thị trấn Cao Phong rất dễ dàng thấy những vườn cam quả sai trĩu cành. Từ quốc lộ, rẽ vào các nhánh đường xương cá chừng 50 – 100 m, du khách có thể thấy vườn cam ngay trước mắt. Đứng trong khu vườn bạt ngàn cam chín, tận hưởng hương cam dễ chịu, không khí trong lành, tự tay hái và thưởng thức những miếng cam ngọt thơm, mọng nước thực sự là trải nghiệm thú vị, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi ghé thăm Cao Phong.
Hàng năm, vào mùa cam chín, lượng khách đến du lịch rất đông, đa dạng cả về thành phần lẫn tuổi tác. Ngoài những đoàn khách ghé thăm vườn cam khi đi qua Hòa Bình hoặc những đoàn khách đến tham quan mô hình trồng cam để học hỏi kinh nghiệm, du khách ở khắp các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh… cũng tìm đến nơi đây với mong muốn được tận tay hái quả, thưởng thức hương vị cam Cao Phong đặc trưng ngay tại vườn. Ngoài ra, những năm gần đây, thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch, các tuyến, cụm, điểm du lịch được quy hoạch, định hướng. Theo đó, hoạt động du lịch vườn cam đã được bổ sung vào tour du lịch khám phá Hòa Bình của một số công ty du lịch lữ hành.
Tuy thực hiện chưa lâu, hoạt động trải nghiệm du lịch vườn cam bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan. Không chỉ củng cố lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm cam Cao Phong, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hoạt động trải nghiệm này cũng thu hút lượng lớn khách du lịch, góp phần tăng doanh thu từ du lịch trên địa bàn. Dọc theo con đường chạy qua trung tâm thị trấn đến hết địa phận huyện, nổi bật lên những nhà vườn như: Thủy Nga (khu 4, thị trấn Cao Phong), Thanh Loan (khu 2, thị trấn Cao Phong), vườn cam Cao Phong bà Sen… được du khách ghé thăm khá đông bởi sự thân thiện, nhiệt tình của chủ nhà. Hơn nữa, khách hàng luôn cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi mua hàng bởi sản phẩm cam mang hương vị đặc trưng, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn.
Đồng chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cây có múi trên địa bàn huyện gần 2.100 ha, sản lượng trên 23.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng trên 700 triệu đồng /ha. Do đó, du lịch vườn cam là hướng đi mới góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của thương hiệu cam Cao Phong, phát huy được tiềm năng du lịch sẵn có, đồng thời thúc đẩy sự phát triển về KT-XH địa phương. Qua trải nghiệm du lịch miệt vườn, du khách được tận mắt quan sát các quy trình chăm sóc, tạo nên sản phẩm, được thưởng thức những sản phẩm "chuẩn”, không bị trà trộn với những sản phẩm kém chất lượng như ở nhiều nơi nhận cung cấp sản phẩm cam Cao Phong. Lượng khách du lịch tăng dần theo từng năm. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách đến tham quan ước đạt trên 220.700 lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt trên 15,800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đồng chí Bùi Tiến Dũng cho biết thêm: Bởi đây là hoạt động du lịch tự phát nên chưa có bất cứ sự quản lý nào, việc thống kê lượng khách đến du lịch vườn cam cũng gặp khó khăn. Để phát triển bền vững, cần có thời gian nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quản lý, quy hoạch lại các vùng, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn. Trước mắt, nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2018, huyện tiếp tục xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về những tiềm năng, cơ hội đầu tư của Cao Phong trong phát triển du lịch.
Thu Hằng