(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện nay gần như 100% đất nông nghiệp dùng để sản xuất truyền thống ngoài trời, phương pháp canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền miệng mà không có quy trình kiểm soát sâu bệnh, bón phân. Các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp, sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn. Trong bối cảnh đó, dự án đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới và rau sạch hữu cơ tiêu chuẩn đã khởi động với mô hình doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP, có địa chỉ tại Đội 2, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy).


Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP tại huyện Lạc Thủy tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả.

 

Kể từ tháng 1/2016, sản xuất theo công nghiệp 4.0 đã được doanh nghiệp thực hiện bằng việc xây dựng hạ tầng, đặc biệt xây dựng 5.000 m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới. Sau đó đúng 1 năm, doanh nghiệp tiến hành sản xuất dưa lưới trong 5.000 m2 nhà màng, đồng thời xây dựng thêm 1ha nhà màng, đưa diện tích nhà màng đến nay đạt 1,5 ha trên tổng số 4,3 ha diện tích. Đến thời điểm này, đây vẫn là mô hình đầu tiên và duy nhất của tỉnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp.

Theo ông Phạm Tiến Sinh, chủ doanh nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vì mục đích kinh tế, phù hợp với nông dân, chi phí đầu tư trên một diện tích canh tác không cao nên nông dân có thể tự đầu tư hoặc liên kết với nhau đầu tư phát triển mô hình. Dựa vào nền tảng khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp đã xây dựng kết cấu nhà màng làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực, chịu sức gió, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng tự động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết. Các hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng thông minh với thiết bị đi kèm bao gồm hệ thống tưới nhỏ giọt Isarel, hệ thống phun sương trong nhà, hệ thống tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn nhằm tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng trong bộ nhớ lập trình, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Với công nghệ nhà màng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng được ngăn chặn. Việc sản xuất theo phương pháp thủy canh đồng thời giúp tiết kiệm diện tích, cây trồng có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây dễ dàng, hiệu quả. Do áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, cây trồng được chăm sóc tốt nhất, tránh được gần như 100% sâu bệnh hại, phòng tránh 80% số bệnh và nguồn bệnh hại, tránh phải sử dụng thuốc BVTV, đồng thời tăng năng suất, chất lượng, giảm được 70% nhân công, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo ATTP.

Trồng rau quả sạch trong nhà màng, dự án đã ứng dụng tiến bộ khoa học các nước tiên tiến nhưng không quá phức tạp, nông dân có sẵn kiến thức về sản xuất nông nghiệp nên dễ tiếp thu. Doanh nghiệp đã ứng dụng bộ điều khiển tưới Fetikit của Netafim, hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel, hệ thống dàn mát của Thái Lan. Cây trồng trên đất sạch sau xử lý hoặc giá thể đảm bảo yếu tố đất sạch, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu, giảm được nhân công do tính tự động hóa cao, loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ.

Dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 25 – 30 lao động, việc làm thời vụ cho 20 - 25 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng, cho ra sản phẩm ATTP, mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ đầu tư, có tác dụng giáo dục ý thức cho người dân, nhất là học sinh, sinh viên, nông dân… về ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là điểm nhấn về ứng dụng KH-KT của tỉnh. Sản phẩm công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp chủ yếu tại thị trường là các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

B.M

Các tin khác


Đã thu hút được gần 23 tỷ USD vốn FDI

Ngày 25-7, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính chung trong bảy tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Thành phố Hòa Bình: Phê duyệt kế hoạch đấu thầu 23 công trình

(HBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản, 6 tháng đầu năm nay, TP Hòa Bình đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu 23 công trình; phê duyệt hồ sơ mời thầu 2 gói thầu; thẩm định kết quả đấu thầu 2 gói thầu; thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật 9 công trình; thẩm định chủ trương đầu tư 12 công trình; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 215 hộ, cấp đổi nội dung cho 55 hộ cá thể theo quy định.

Nông dân huyện Yên Thủy thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(HBĐT)- Hộ bà Bùi Thị Vĩnh, khu 1, thị trấn Hàng Trạm là điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua SX - KD giỏi của huyện Yên Thủy. Từ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản, gia đình bà có thu nhập ổn định từ 600 - 700 triệu đồng mỗi năm.

Ngay sau nắng hạn kéo dài, nông dân lại khốn khổ vì mưa to gây ngập úng diện rộng

(HBĐT)- Đợt nắng nóng kéo dài hồi đầu tháng 7 vừa chấm dứt, nông dân chưa kịp vui sướng đón chào những cơn mưa giải cứu vụ mùa, hè thu thoát khỏi nguy cơ hạn hán ngay từ đầu vụ thì mấy ngày qua, mưa to dồn dập lại đẩy họ vào nỗi khốn khổ: đối phó với tình hình ngập úng trên diện rộng đang làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống.

Huyện Kỳ Sơn - hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(HBĐT) - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Kỳ Sơn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2017, kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều, huyện còn 504 hộ nghèo, chiếm 6,24%; 359 hộ cận nghèo, chiếm 4,44%. Năm 2018, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6%. Để thực hiện mục tiêu đề ra, hiện nay, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Huy động gần 9 tỷ đồng làm thuỷ lợi

(HBĐT) - Từ đầu năm, ngành nông nghiệp huyện Lạc Sơn thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc quản lý, điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả phục vụ sản xuất; chủ động các giải pháp phòng, chống hạn vụ chiêm - xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục