Bắt đầu từ tháng 6/2018, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình được triển khai tại hai xã Mỵ Hòa và Kim Tiến (Kim Bôi) với quy mô 205 con bò/70 hộ tham gia. Ngay sau khi hoàn tất việc chọn điểm, chọn hộ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao cho bà con quy trình chăn nuôi vỗ béo bò thịt để sẵn sàng phối hợp thực hiện tốt mô hình.
Trước đây, với tập quán chăn nuôi truyền thống, bà con thường chăn thả bò tự do, ít áp dụng tiến bộ KHKT và tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên nên việc vỗ béo bò thịt hầu như không có, làm bò chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng thịt thấp… Giờ đây, khi tham gia mô hình, bà con được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi vỗ béo để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, như: cách chọn bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo, kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh, cách phối trộn thức ăn tinh với nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cách phòng và trị một số bệnh thường gặp, cách theo dõi khả năng tăng trọng của đàn bò, ghi chép về quá trình nuôi… Không chỉ tập huấn chuyển giao KHKT cho 70 hộ tham gia mô hình, Trung tâm Khuyến nông còn phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn, thăm quan ngoài mô hình cho nông dân các địa bàn lân cận nhằm phổ biến rộng rãi hơn những ưu điểm vượt trội của phương thức chăn nuôi mới.
Cán bộ khuyến nông phổ biến nội dung mô hình tại khu vực chăn nuôi của gia đình ông Bùi Văn Hoàn, là 1 trong 35 hộ tham gia mô hình tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi).
Chị Lê Thị Hiền, cán bộ kỹ thuật của mô hình tại xã Mỵ Hòa trao đổi: Khi tham gia mô hình, lợi ích quan trọng nhất đối với các hộ là nắm bắt được quy trình vỗ béo bò thịt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò trong nông hộ. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ thức ăn tinh, cám hỗn hợp, thuốc thú y… Mỗi con bò trước khi đưa vào vỗ béo đều được tiêm phòng, tiêm thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng theo quy định. Đặc biệt, trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật tại địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện đúng theo quy trình nuôi vỗ béo. Nhờ đó, mô hình đạt kết quả tốt, hơn nữa còn có sức thuyết phục cao đối với các hộ chưa tham gia, bởi họ thấy hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống.
Nhìn chung, phương thức chăn nuôi được mô hình áp dụng là: nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu; theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh kịp thời; theo dõi khả năng tăng khối lượng của bò qua từng tháng. Sau 3 tháng áp dụng cho thấy phương thức này đơn giản, dễ làm, kiểm soát được nguy cơ bò nhiễm bệnh, đảm bảo khả năng tăng trọng trong thời gian ngắn (trong 80 - 90 ngày, tăng trọng bình quân đạt khoảng 730g/con/ngày). Trừ chi phí thức ăn và thuốc thú y, mỗi con bò trong mô hình cho lãi 2 - 2,5 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với hộ ngoài mô hình. Đặc biệt, theo phản ánh của các hộ chăn nuôi, không chỉ có sức khỏe và khả năng tăng trọng tốt, đàn bò trong mô hình còn cho chất lượng thịt và tỉ lệ thịt xẻ cao hơn, thịt mềm, thơm nên giá bán cao. Đây thực sự là quy trình kỹ thuật vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vì vậy các hộ sẽ tiếp tục áp dụng để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi. Về phía đơn vị thực hiện, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm 2019 tiếp tục nhân rộng mô hình kỳ vọng cùng với kết quả khả quan của những năm trước, mô hình sẽ trở thành hướng đi mới tại các địa phương có thế mạnh về chăn nuôi, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò trong nông hộ.
Thu Trang