Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Năm 2017, huyện triển khai thực hiện Dự án "Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chứng nhận chất lượng và quản lý thương hiệu”. Tham gia dự án có 5 đơn vị là các HTX và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, sau hơn 1 năm triển khai dự án, HTX Hà Phong và Công ty TNHH Hùng Phong đang triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong ở xóm Môn, xã Bắc Phong cho biết: HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016. Đến nay, HTX có 10 thành viên tham gia quản lý, điều hành 144 ha cam. Đây là diện tích góp của các thành viên trong HTX với lĩnh vực kinh doanh là thu mua, bảo quản, sơ chế và bán các sản phẩm cam đã sơ chế ra thị trường trong nước. Thời gian qua, HTX đã tham gia dự án "Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chứng nhận chất lượng và quản lý thương hiệu”, được UBND huyện hỗ trợ một số chính sách nhằm hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ cam Cao Phong đảm bảo an toàn theo chuỗi liên kết tiêu thụ từ người trồng cam đến người tiêu dùng. Từ các chính sách đó, trong năm 2017, 2018, HTX đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị Big C. Theo hợp đồng, từ ngày 15/10/2018 đến nay, mỗi ngày HTX xuất bán cho hệ thống siêu thị Big C 2,5 tấn cam quả với giá bán ổn định 20.000 đồng/kg.
HTX Hà Phong đầu tư phòng lạnh bảo quản sản phẩm cam quả trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Cũng như HTX Hà Phong, Công ty TNHH MTV Hùng Phong có trụ sở ở khu 2, thị trấn Cao Phong đã trở thành đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm cam cho người dân ở các xã: Tân Phong, Thu Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Đông Phong và vùng phụ cận.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, từ chỗ xây dựng được mạng lưới, chuỗi tiêu thụ sản phẩm thông qua các doanh nghiệp, HTX đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích được chứng nhận và quản lý thương hiệu cam Cao Phong theo các tiêu chuẩn sản xuất sạch, đảm bảo an toàn. Đồng thời giúp người trồng cam có thêm cơ hội hoàn thiện quy trình canh tác cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới theo công nghệ nhỏ giọt tiết kiệm nước; sử dụng thuốc BVTV công nghệ sinh học, phân bón sản xuất nông nghiệp tốt.
Theo thống kê, tính đến năm 2018, toàn huyện Cao Phong có 3.056,2 ha cam, năm 2018 trồng mới 61 ha. Trong đó, diện tích trong thời kỳ kinh doanh 1.589,3 ha, diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản 1.407,7 ha. Đáng nói, trong gần 1.600 ha cam thời kỳ kinh doanh có gần 800 ha cam được cấp chứng chỉ VietGAP. Dự kiến niên vụ 2018 - 2019 sản lượng cam của Cao Phong ước đạt 35.000 tấn. Đến nay, do làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu nên sản phẩm cam Cao Phong đã được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và được xếp vào Top 10 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam.
Tuy vậy, trong quá trình sản xuất vẫn bộc lộ khó khăn như: chưa có nhiều sự liên kết sản xuất giữa các HTX, doanh nghiệp và người nông dân. Việc mở rộng sản xuất cam tại một số xã vẫn theo phong trào, chưa theo quy hoạch. Trong quá trình canh tác, một số hộ còn lạm dụng hoặc sử dụng phân bón, thuốc BVTV chưa đúng cách. Sản xuất chủ yếu quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu liên kết hoặc chưa liên kết bền vững giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và nơi tiêu thụ sản phẩm, do đó bị tư thương ép giá... Do vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình trồng cam với quy mô lớn sản xuất theo chuỗi giá trị đang là nhu cầu bức thiết để đưa cam Cao Phong đi xa, đến tay người tiêu dùng với sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Mạnh Hùng