Vốn hỗ trợ ước tính khoảng 26.400 triệu đồng để xây dựng các vùng sản xuất mía tập trung. Quy hoạch sản xuất mía tím cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) phát triển mía tím đem lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha.
Về hiệu quả kinh tế, So với cây hàng năm như lúa, ngô, sắn thì cây mía có ưu thế hơn nhưng so với cây như bưởi, cam thì không bằng. Khả năng diện tích trồng cây có múi lấn át diện tích trồng mía trong thời gian tới là vấn đề cần được quan tâm để ổn định diện tích mía. Theo thống kê, diện tích trồng mía toàn tỉnh thời gian qua không ổn định và có xu hướng giảm, dẫn đến biến động về sản lượng mía. Năm 2018, năng suất mía toàn tỉnh đạt khoảng 71 tấn/ha, sản lượng đạt 549.487 tấn; giá trị sản xuất mía đạt khoảng trên 1.300 tỷ đồng. Tốc độ phát triển sản xuất mía bình quân giai đoạn 2011-2018 là 99,23%/năm. Thu nhập bình quân của người trồng mía khoảng 200-250 triệu đồng/ha; chi phí khoảng 100-110 triệu đồng/ha, cho lợi nhuận khoảng 100 - 140 triệu đồng/ha. Diện tích trồng mía ăn tươi (mía tím và mía trắng) luôn chiếm tỷ trọng cao trong diện tích trồng mía của tỉnh (từ 80 - 85%). Chất lượng mía ăn tươi, nhất là mía tím có xu hướng giảm sút, nguyên nhân do giống bị thoái hóa và đầu tư kém, đồng thời do tác động của giá cả phân bón, chi phí vận chuyển, công chăm sóc đều tăng cao nên người dân ít có sự đầu tư, dẫn tới cây mía tím có chất lượng thấp. Ngoài ra, thời gian qua, do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nên chất lượng mía cũng bị giảm, tỷ lệ mía loại I đạt thấp (chỉ khoảng 40%). Nhưng so sánh lợi nhuận sản xuất mía ăn tươi vẫn cao hơn so với nhiều cây trồng khác, do đó diện tích mía ăn tươi có thể ổn định trong thời gian tới nếu đảm bảo được thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn các huyện trọng điểm Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Đà Bắc và Lạc Thủy. Theo đó, quy hoạch diện tích trồng mía tím đến năm 2020 là 9.500 ha, đến năm 2030 là 10.000 ha. Sản lượng mía khoảng 225.000 tấn. Theo đó, cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, tín dụng, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Chú trọng đầu tư xây dựng và mở rộng các cơ sở nhân giống mía của Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản và Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% giống mía được nhân giống bằng phương pháp cấy mô tế bào. Quán triệt các hộ nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác mía theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ưu tiên các hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi đất cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng mía, là diện tích đất lúa một vụ; khuyến khích nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất mía với quy mô lớn. Thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía, đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội mía tím tỉnh Hòa Bình, đảm bảo gắn kết người trồng mía trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ mía. Tích cực phát triển thương hiệu mía tím Hòa Bình. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nước giải khát từ cây mía tím.
P.V