Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018.
Năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đã đạt mốc kỷ lục khi kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD – đạt 425,12 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD; nhập khẩu là 211,1 tỷ USD; xuất siêu gần 3 tỷ USD, là con số cao nhất cho đến thời điểm đó. Đây là tin vui cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng đồng thời cũng là rào cản không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu của năm 2018.
Ngay trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, trước những thành tích lớn của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không giấu kỳ vọng cho hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Công Thương năm 2018 khi "đặt hàng” kim ngạch XK phải tăng 10% (trước đó, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng 7 – 8%). Đặt trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, nhiều quốc gia đặt rào cản phi thuế quan cho hàng XK; cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới… nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra cho ngành Công Thương không hề đơn giản, dễ dàng.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã được giao, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công thương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách thể chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN). Đơn cử, Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo do Bộ Công thương xây dựng được Chính phủ ký ban hành đã giúp tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia thị trường, kể cả DN tư nhân. Nhờ đó, trong các gói thầu nhập khẩu gạo mới đây, cơ hội đã mở ra cho nhiều DN tư nhân như Tân Long, Lộc Trời…
Các DN XK cũng nỗ lực mở rộng thị trường, mở rộng đơn hàng, tận dụng các ưu đãi từ khung khổ hội nhập. Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ngày càng hiệu quả. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng có nhiều nét mới, đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy XK, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Từ đó, làm tốt việc hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng vào chuỗi phân phối bán lẻ tại nước ngoài như AEON, Lotte, Metro… Hiện nay, nước ta đã có sáu sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản và đang tràn đầy cơ hội được XK sang chuỗi siêu thị AEON khắp thế giới. AEON cũng cam kết đến năm 2020, kim ngạch XK hàng hóa vào hệ thống AEON tại Nhật Bản và các thị trường khác sẽ đạt 500 triệu USD.
Với các kỳ hội chợ, điểm đáng chú ý là thay vì chỉ mang hàng hóa đến quảng bá như trước đây, trước khi tổ chức các kỳ hội chợ, hàng hóa đã được gửi trực tiếp cho khách hàng thẩm định. Từ đó, tăng số lượng hợp đồng thương mại được ký kết trực tiếp tại sự kiện.
Thứ hai, trong XK, bên cạnh việc chi phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì một số lĩnh vực thì XK của Việt Nam cũng khả quan. Thí dụ, nhờ giá dầu tăng mà XK mặt hàng này đã đem lại giá trị lớn hơn cho ngành sản xuất dầu và cả ngân sách. "Đặc biệt, một số lĩnh vực trước đây có giá trị gia tăng thấp, nhưng nay đã có sự cải thiện đáng kể và cũng tận dụng cái "cơ trong nguy" để có mức xuất khẩu tốt hơn, đơn cử như dệt may, da giày, đồ gỗ... đã có chuyển biến khá tích cực” – ông Võ Trí Thành nhận định.
Việt Nam được đánh giá là một nước đang trên đà hội nhập sâu rộng, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế. Nhiều FTA đã được ký kết, nhiều FTA sắp có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam – EU. Do đó, thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Bộ Công Thương đặt ra là sẽ tích cực phổ biến các ưu đãi từ các hiệp định này, giúp DN có thể tận dụng tối đa. Đồng thời, tìm hiểu về các quy định khắt khe của các thị trường để tránh và lách được các chướng ngại nhằm đưa hàng Việt Nam đến nhiều thị trường hơn nữa.
Cùng với đó, các DN được khuyến cáo phải tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa XK để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, khẳng định sức cạnh tranh thông qua thương hiệu. Đặc biệt, thay vì hoạt động đơn lẻ, cần phối hợp, liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả ngành hàng, tạo nên sức cạnh tranh tổng thể cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
(HBĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,36%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,7%; dịch vụ tăng 5,73%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản 22,12%; công nghiệp - xây dựng 47,36%; dịch vụ 30,52%.
Nguyễn Văn Quang
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh