Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện và được nâng cao trong những năm qua. Ảnh minh họa: TTXVN
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện nhanh, rõ nét
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 19 hằng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hoá; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 vừa qua của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận.
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh (MTKD), năng lực cạnh tranh (NLCT) của nước ta mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về MTKD, xếp thứ 77/140 về NLCT). Trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn chưa vào nhóm bốn nước dẫn đầu (đứng thứ năm về MTKD, thứ bảy về NLCT). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt có một số chỉ số bị tụt hạng so với khu vực và thế giới. Đáng chú ý, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong CMCN4.0 chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện.
Trong bối cảnh CMCN4.0 và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện MTKD và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Do đó, mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm bốn quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều.
Trong nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, song điều này cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất để mọi người dân đều đóng góp công sức, của cải phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình, cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: VGP
Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, hướng tới những thành tựu mới
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong CMCN4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Theo Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cụ thể:
Tăng cường trách nhiệm của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số, và các Bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Đồng thời đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup).
Như vậy, khác với những năm trước, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 được đánh số 02, và được ban hành cùng lúc với Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Điều này thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo "bứt phá đầu tiên là thể chế” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
(HBĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,36%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,7%; dịch vụ tăng 5,73%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản 22,12%; công nghiệp - xây dựng 47,36%; dịch vụ 30,52%.
Nguyễn Văn Quang
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh