Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT: Năm 2018, ngành NN&PTNT đã hoàn thành vượt 5/5 chỉ tiêu nhiệm vụ với mức cao, trong đó có một số chỉ tiêu vượt xuất sắc như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76% (Chính phủ giao là 2,8 - 3%; kịch bản tăng trưởng đề ra 3,05%). Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (kịch bản tăng trưởng đề ra 3,25%). Kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 40,02 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí NTM 42,4%. Cùng với đó, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới. KHCN, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP hàng nông sản tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp. Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai tiếp tục được chú trọng... Theo Bộ NN&PTNT, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018 với mức tăng trưởng là 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Triển khai nhiệm vụ năm 2019, ngành NN&PTNT xác định: Đây là năm có ý nghĩa bứt phá góp phần quan trọng hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính vì vậy, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành, tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM. Cụ thể, sẽ hướng tới "Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM phồn vinh và văn minh".
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề, đồng thời thống nhất các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt trong năm 2019 gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành trên 3,0%. Giá trị sản xuất trên 3,11%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD. Có 48 - 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%... Để hoàn thành kế hoạch, hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai và phát triển thị trường để tạo nhiều thuận lợi hơn cho các chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; bổ sung nguồn lực cho ngành nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và phòng chống thiên tai…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong năm 2019, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM. Cụ thể, cần chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý chất lượng VTNN và ATTP; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN; tích cực hội nhập quốc tế, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên ban hành các chính sách đặc thù của địa phương để thu hút thêm nguồn lực…
Đặc biệt, theo Thủ tướng Chính phủ: Với quyết tâm chính trị cao nhất, ngành nông nghiệp cần phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành năm 2019 trên 3%. Đây là nhiệm vụ không hề dễ đàng trong bối cảnh hiện nay nhưng Thủ tướng tin rằng ngành NN&PTNT sẽ vượt qua thách thức để đạt nhiều kết quả nổi bật hơn năm 2018, từ đó tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế cả nước trong năm 2019./.