(HBĐT) - Đánh giá về những giải pháp và kết quả công tác thu hút đầu tư (THĐT) đạt được trong năm 2018, Giám đốc Sở KH&ĐT Bùi Đức Hinh cho biết: Bước vào năm 2018, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác THĐT. Nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước được tổ chức để quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành quyết định về việc phân công nhiệm vụ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. UBND tỉnh đã xem xét, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ ra những hạn chế, yếu kém và yêu cầu các cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục để nâng cao chỉ số PCI trong những năm tiếp theo.
Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 45 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 13.930,6 tỷ đồng. Ảnh: Công ty CP Wison (Phú Thành - Lạc Thủy) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 45 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động kêu gọi đầu tư, cung cấp thông tin để các nhà đầu tư đến nghiên cứu. Đến nay, thủ tục hành chính trong cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư đều được các cơ quan chức năng quan tâm, kịp thời có phương án tháo gỡ. Đối với những dự án không triển khai hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện, Sở KH&ĐT đã rà soát, phối hợp với các sở, ngành liên quan từng bước xử lý hợp lý, hợp tình, công khai, minh bạch. Qua đó từng bước thu hồi dự án để kêu gọi nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.
Nhờ đẩy mạnh THĐT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 467 triệu USD; đã có 27 dự án đã đi vào hoạt động SX-KD, vốn đăng ký 346 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 17.500 lao động.
Đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 493 dự án trong nước được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.459 tỷ đồng. Trong đó có 239 dự án đã đưa vào khai thác, SX-KD, chiếm khoảng 48,5%. Nhìn chung, các dự án đầu tư trong nước đã đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, thu nộp ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 47 dự án đang đầu tư xây dựng dở dang; 21 dự án đã được các nhà đầu tư xây dựng hạng mục công trình và đưa dự án vào khai thác kinh doanh nhưng không tiếp tục thực hiện, dừng SX-KD; 19 dự án đầu tư xây dựng nhưng không tiếp tục triển khai thực hiện; 30 dự án chậm triển khai và không triển khai thực hiện. Nguyên nhân do nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, không tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư mới, mở rộng, nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra không ổn định... Nhiều dự án gặp khó khăn, chủ đầu tư đã chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp khác mà không thông báo hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, gây khó khăn cho công tác QLNN đối với các dự án đầu tư đã được cấp phép.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Bùi Đức Hinh, THĐT có bước khởi sắc, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, như: nguồn kinh phí dành cho các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh hạn hẹp dẫn đến cơ quan xúc tiến đầu tư khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Chưa thực sự chủ động tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư về với tỉnh, chủ yếu vẫn do các nhà đầu tư tự tìm đến. Định hướng thu hút lĩnh vực đầu tư chưa rõ nét, vẫn THĐT đa lĩnh vực. Chưa có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, phát huy được lợi thế của tỉnh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị khác biệt, tính cạnh tranh cao, giá trị gia tăng lớn hơn. Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, khả năng tích tụ đất để có diện tích lớn rất khó khăn, chưa có quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Các ngành, địa phương mới chỉ được vị trí, còn các điều kiện để đảm bảo dự án có tính khả thi thì hầu như nhà đầu tư phải thực hiện từ đầu như: bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch ngành, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp, làm việc với người dân để thỏa thuận chuyển nhượng đất... Để hoàn thiện các thủ tục pháp lý nói trên mất rất nhiều thời gian, như vậy chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Hiếu, chủ doanh nghiệp ở Hà Nội đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh cho rằng: Một trong những vướng mắc, làm chậm quá trình đầu tư xây dựng là sau khi UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng đất ngoài KCN, do doanh nghiệp và người dân không thỏa thuận chuyển nhượng được đất đai dẫn tới chậm tiến độ. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ chi phí chuyển nhượng đất nhưng còn một vài hộ không đồng thuận, vì vậy không triển khai xây dựng được. Đó là nguyên nhân dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và kế hoạch của nhà đầu tư, tăng chi phí doanh nghiệp vì phải trả lãi vay. Nhiều doanh nghiệp có khả năng lâm vào tình trạng thua lỗ, mất cân đối tài chính.
Ngoài ra, đối với các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh đã được duyệt thường không khớp với ý tưởng đề xuất của nhà đầu tư. Một số địa điểm không có quy hoạch, vì vậy khi xem xét dự án cơ quan thẩm định gặp nhiều khó khăn. Nếu dự án chưa hoặc không có quy hoạch, nhưng được đánh giá là phù hợp thì cũng phải mất nhiều thời gian để bổ sung vào quy hoạch.
Ông Dương Quang Hòa, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội bày tỏ: Hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Hòa Bình chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, đặc biệt là điện, giao thông và cấp nước. Các vị trí ngoài KCN hầu hết hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư, khó khăn khi nhà đầu tư đi vào hoạt động SX-KD. Việc ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Do đó, số dự án thu hút vào khu, cụm công nghiệp chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vì vậy chúng tôi đang xem xét, đề xuất thực hiện dự án ngoài KCN.
Với địa giới tiếp giáp, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cảng biển Hải Phòng 170 km. Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 4.596,4 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 51%, đất sản xuất nông nghiệp 12%, đất nuôi trồng thuỷ sản 0,27%, đất phi nông nghiệp 12,3%, đất chưa sử dụng chiếm hơn 24%. Tỉnh có khoảng 50 vạn người trong độ tuổi lao động, trung bình từ 22 -25 tuổi. Bên cạnh đó, tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như đá granit, đá vôi, than đá, cao lanh, sắt, nước khoáng... Đặc biệt, hồ Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch trọng điểm khu du lịch quốc gia… Những tiềm năng, thế mạnh đó được khai thác hiệu quả và những hạn chế, vướng mắc sớm được tháo gỡ, chắc chắn hoạt động THĐT của tỉnh sẽ ngày càng khởi sắc.
Đức Phượng
(HBĐT) - Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình (NHNN tỉnh) đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, chủ động xây dựng giải pháp chỉ đạo các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác ngân hàng. Cụ thể hóa các nhiệm vụ của ngành qua các kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng đối với NHNN tỉnh, hàng quý đối với các ngân hàng, TCTD.
(HBĐT) - Năm 2018, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hòa Bình đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển. Trong đó, toàn thành phố hiện có 407 doanh nghiệp, tăng 12 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017, thu hút 5.128 lao động, tăng 103 lao động và 6.635 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và dịch vụ thu hút 10.146 lao động.
(HBĐT) - Cục Thuế tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước ngay trong tháng đầu năm 2019.
(HBĐT) - Sáng 22/1, tại Nhà văn hóa xã Tu Lý, UBND huyện Đà Bắc tổ chức Lễ công bố xã Tu Lý đạt chuẩn NTM năm 2018. Đến dự và chúc mừng buổi lễ có đồng chí Hoàng Văn Đức, UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đông đảo bà con nhân dân xã Tu Lý.
(HBĐT) - Ngày 21/1, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định TƯ tổ chức hội nghị xét, công nhận thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM TƯ và đại diện các bộ ngành TƯ. Về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí thành viên BCĐ chương trình NTM tỉnh và Ủy ban MTTW Việt Nam tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Tỉnh ta đang triển khai thực hiện dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu mát mẻ trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Dự án góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.