(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh ta đã tập trung phát triển đô thị hóa, mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 25%, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.


Dự án Vincom Hòa Bình đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.

Trong tiến trình phát triển hiện nay, cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa được xem là khía cạnh quan trọng của sự vận động, đi lên của xã hội. Đối với tỉnh ta, TP Hòa Bình là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất. Những năm qua, thành phố đã tập trung lựa chọn các khâu đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ đô thị hóa TP Hòa Bình đã đạt 73%, tăng 13% so với năm 2015, đạt 85% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2017, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn TP Hòa Bình đạt khoảng 5.231 tỷ đồng, đến hết năm 2018 ước đạt trên 7.000 tỷ đồng. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố như: Quảng trường Hòa Bình, trụ sở Công an tỉnh, trụ sở một số cơ quan tỉnh; hệ thống vỉa hè, đường ngõ xóm được chỉnh trang...
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình; dự án thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư ODA; Trung tâm hành chính - chính trị thành phố... Đặc biệt là công trình cầu Hòa Bình 3 nhằm thực hiện mục tiêu kết nối các khu vực dân cư tại bờ trái và bờ phải sông Đà. 

Mới đây, trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện một loạt dự án bất động sản như: nhà phố thương mại Vincom Shophouse Hòa Bình; dự án khu đô thị Zen Village tại phường Hữu Nghị, là những điểm nhấn đáng quan tâm. Ngoài ra, một số dự án đang góp phần đưa bộ mặt đô thị ngày một khởi sắc như: khu dân cư Sudico mở rộng, dự án Vĩnh Hà, dự án khu dân cư tổ 7, phường Thịnh Lang, là những động lực góp phần thúc đẩy đô thị hóa ngày càng phát triển. 

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND thành phố, để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, TP Hòa Bình xác định công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng và phát triển đô thị. Thành phố đã lập và được phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2025 và đang đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2035.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 12 đô thị hiện hữu, bao gồm 1 đô thị loại III (TP Hòa Bình) và 11 đô thị loại V. Đến năm 2020, Hòa Bình phấn đấu có 14 đô thị, trong đó nâng cấp đô thị TP Hòa Bình lên loại II, đô thị Lương Sơn và Mai Châu lên loại IV, hoàn chỉnh công tác chuẩn bị thành lập 2 đô thị mới là Chợ Bến và Mông Hóa. Đến năm 2030, phấn đấu có 18 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại II (TP Hòa Bình), 4 đô thị loại IV (thị xã Lương Sơn, thị xã Mai Châu, thị trấn Bo, thị trấn Chi Nê), 13 đô thị loại V (gồm 9 đô thị trong giai đoạn 2016 - 2020 và 4 đô thị hình thành mới). 

Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, các địa phương đang từng bước triển khai, như: huyện Lương Sơn đang lập chương trình phát triển đô thị và đề án nâng cấp đô thị Lương Sơn lên loại IV; huyện Mai Châu đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm thị trấn Mai Châu, đồng thời triển khai lập chương trình phát triển đô thị. Các địa bàn khác trong tỉnh cũng trong quá trình triển khai lập đề án phân loại đô thị theo Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt. 
Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Để vừa có sức đột phá, vừa bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh ta đã được định hướng phát triển đô thị hóa dựa trên nguyên tắc tập trung có trọng điểm tại các vùng kinh tế động lực theo giai đoạn. Cùng với đó, dựa trên tiềm năng sẵn có và dự báo xu hướng phát triển, các địa phương trong tỉnh đã nghiên cứu lập quy hoạch phát triển và nâng cấp các đô thị, tạo cơ sở thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển KT-XH tại địa bàn. Để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch cũng như thúc đẩy tiến trình đô thị hóa ngày càng chất lượng, thời gian tới, tỉnh ta sẽ thực hiện đồng bộ quy hoạch xây dựng đô thị, nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền cấp thành phố và cấp huyện. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong quá trình thực hiện quy hoạch. Đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch KT-XH, quy hoạch xây dựng và phát triển ngành. Đồng thời, bố trí quỹ đất cho dự trữ phát triển đô thị, vùng sinh thái, cây xanh đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch không gian của các đô thị. 

Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh đô thị hóa các địa bàn trọng điểm, tỉnh ta sẽ tập trung xây dựng nâng cấp mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đưa TP Hòa Bình trở thành thành phố du lịch, thương mại, dịch vụ cơ bản có đủ các yếu tố của một thành phố hiện đại, tiến tới đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2020.


Hồng Trung

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục