HTX mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 lao động và 300 lao động thời vụ.
Đồng chí Bùi Văn Lích, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạc Sơn cho biết: "Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND, huyện đã khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và xây dựng NTM. Việc bảo tồn, phát huy nghề mây, tre đan truyền thống không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, xóa đói, giảm nghèo, ổn định thu nhập cho người dân".
Nghề mây, tre đan ở xã Nhân Nghĩa có từ xa xưa. Trước đây, bà con chủ yếu đan giỏ, lẵng, cơi trầu... phục vụ sinh hoạt gia đình và buôn bán nhỏ. Từ năm 2000 đến nay, nghề phát triển rộng cả về quy mô và giá trị. Các sản phẩm có mẫu mã đa dạng, chất lượng nâng cao, được bạn hàng khắp nơi đặt mua. Chính thức công nhận làng nghề từ ngày 17/12/2017, HTX mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa tạo việc làm ổn định cho 70 thành viên và hơn 300 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. HTX hoạt động có hiệu quả, các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, chủ yếu được làm thủ công, do đó thị trường ưa chuộng, HTX nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành phố và ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản.
Trước những đổi thay của xã hội hiện đại, có những lúc tưởng chừng nghề mây, tre đan không thể tồn tại. Nhưng từ sự tâm huyết và lòng đam mê với nghề, những người thờ lành nghề đã quyết tâm gìn giữ, hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại chỗ đứng, khẳng định vị thế cho nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà Quách Thị Dung, Chủ nhiệm HTX mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa cho biết: "Vì lòng đam mê và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tôi và nhiều người thợ có tâm huyết quyết tâm bám trụ, tìm cách khôi phục lại nghề. Các bà, các mẹ đều nỗ lực tuyên truyền cho thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, truyền lại những kinh nghiệm quý trong nghề, những tinh hoa ẩn chứa trong từng sản phẩm. Nhờ lòng kiên trì, cố gắng của những người thợ, đồng thời được sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp chính quyền, nghề mây, tre đan dần có chỗ đứng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng".
Hiện nay, ngoài HTX mây, tre đan của xã Nhân Nghĩa, các xã: Vũ Lâm, Văn Nghĩa, Văn Sơn, Yên Phú cũng hình thành cơ sở sản xuất tập trung. Nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể, các lớp tập huấn nghề truyền thống thường xuyên được tổ chức, mở ra cơ hội tiếp cận nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Từ đó, các HTX cũng tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường như lẵng hoa, đèn treo trang trí, hộp đựng bánh kẹo... với đủ kiểu dáng, mẫu mã.
Khôi phục đã khó, giữ gìn, bảo tồn và nhân rộng, đưa nghề mây, tre đan theo đà phát triển kinh tế thị trường lại càng khó hơn. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nghề mây, tre đan huyện Lạc Sơn vẫn đứng trước không ít khó khăn. Hiện nay, các tổ chức sản xuất mây, tre đan vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, trang thiết bị còn sơ sài, thiếu thốn, kho bảo quản chưa đảm bảo; chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, còn trông chờ vào tư thương; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên giá thành phẩm còn cao so với thị trường; khả năng sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng hiện đại của người thợ còn hạn chế...
Để tiếp sức cho nghề mây, tre đan phát triển mạnh, bền vững, người làm nghề mong muốn tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tay nghề lao động. Đồng thời, quy hoạch tập trung vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã từng loại sản phẩm; tiếp tục xây dựng, thành lập các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm để nghề mây, tre đan được bảo tồn và phát triển, ngày càng có chỗ đứng, góp phần phát triển KT - XH.
Hoàng Anh