Doanh thu thu phí BOT, cao tốc đang trong tình trạng doanh nghiệp khai bao nhiêu cơ quan quản lý biết bấy nhiêu, khi việc kiểm tra chỉ mang tính định kỳ vài năm/lần.


Kẹt xe tại Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có đủ "chiêu” gian lận, che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí. Mấu chốt nhất để minh bạch doanh thu là thu phí tự động không dừng lại đang được triển khai quá chậm chạp.

Đủ "chiêu” gian lận

Việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương kéo dài từ 2015 nhưng đến nay, cơ quan điều tra mới có thể phát hiện, xử lý. Hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị bắt vì hành vi thuê chuyên gia về công nghệ thiết kế phần mềm song song nhằm ăn gian doanh số thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo kết quả điều tra bước đầu, phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. Khi các phương tiện qua trạm thì nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.

Dựa trên lượng phương tiện hằng ngày di chuyển qua tuyến đường huyết mạch này, số tiền Công ty Yên Khánh gian lận được trong gần 4 năm qua chắc hẳn phải là con số khổng lồ.

Trước đó, năm 2016, sau tố cáo của một nhà đầu tư trong liên danh là Cienco1 tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ VN (TCĐB) đã vào giám sát 10 ngày tại dự án này, kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là gần 600 triệu đồng/ngày. Một ngày trạm BOT này thu được hơn 1,9 tỉ đồng nhưng trong báo cáo TCĐB và các cổ đông, chỉ khai ở mức 1,2 - 1,4 tỉ đồng/ngày.

Vụ cướp 2,2 tỉ đồng trong két sắt tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi giao ca, cũng để lại nhiều dấu hỏi về số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc này là bao nhiêu, liệu có chênh lệch số thu thực tế so với báo cáo của VEC? Dù đại diện chủ đầu tư là VEC khẳng định việc tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm được thực hiện đúng quy định, có giám sát của TCĐB, Bộ GTVT.

Câu hỏi đặt ra là việc giám sát thu phí đường bộ của cơ quan quản lý đã được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hay chưa?

5 năm mới giám sát định kỳ 1 lần

Theo quy định, việc giám sát, kiểm tra thu phí BOT, cao tốc đang do TCĐB đảm nhận. Tuy nhiên, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, TCĐB cho biết, việc giám sát từ trước tới nay theo hình thức giám sát định kỳ, đột xuất.

"TCĐB tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần, vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước. Vụ Tài chính chỉ có 13 người, kiểm tra việc sao dữ liệu thì Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cũng chỉ có 5 người làm không xuể”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, việc kiểm tra chỉ thực hiện bề ngoài như kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ. Theo Thông tư 49, dữ liệu phải lưu 5 năm/lần, TCĐB sẽ kiểm tra xác suất số liệu báo cáo so với số liệu lưu trữ… "Nhưng nếu DN sử dụng công nghệ cao, cài phần mềm thì chúng tôi cũng không biết được. Phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra được, ví dụ như gian lận thu phí ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhiều cuộc giám sát TCĐB phải mời cả phía bên công an để phát hiện ra gian lận”, ông Toàn cho hay.

 

Theo ông Tô Nam Toàn, để giám sát chặt chẽ hơn, TCĐB đang thực hiện dự án xây dựng quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ, giám sát cả thu phí một dừng và thu phí không dừng. Toàn bộ dữ liệu ở các trạm thu phí sẽ được truyền thẳng về TCĐB, sử dụng một số công cụ để nhận biết các giao dịch bất thường, sau đó sẽ kiểm tra, trong quá trình giám sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên. "Phần mềm này sẽ tạo ra kênh giám sát độc lập của cơ quan quản lý nhà nước, hiện đã làm xong, tháng 2.2019 sẽ thí điểm trước 3 trạm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn bộ các trạm”, ông Toàn nói.

Phải thanh tra toàn diện việc thu phí

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các trạm thu phí đều viện mọi lý do để chậm trễ thực hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng.

Theo ông Long, thực tế hiện nay chi phí, cách thức thu tại các trạm thu phí đều được DN công khai thông qua các số liệu từ sổ sách, chứng từ, nhưng chưa minh bạch. DN vẫn tìm đủ cách này đến cách khác để gian lận. Nguyên nhân giấu doanh thu là để trốn áp lực từ cơ quan nhà nước và xã hội, sợ phải giảm giá, giảm thời gian thu phí. Bên cạnh đó, tạo quỹ đen, tư lợi, lợi ích nhóm và trốn thuế. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt mánh khóe, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng này.

Cũng theo chuyên gia này, để xảy ra tình trạng các trạm thu phí vẫn ngang nhiên vi phạm, gian lận, bên cạnh năng lực yếu kém, nguyên nhân chính vẫn là cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý. Về nguyên tắc, nguồn thu trong ngày của các trạm thu phải nộp vào ngân hàng, kho bạc, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Việc kiểm soát phương tiện nếu không đủ nhân lực, không làm được bằng thủ công thì có thể sử dụng công nghệ, dùng các phần mềm hoặc phối hợp với các cơ quan khác tìm ra giải pháp tối ưu. Không thiếu cách để làm, chủ yếu là cơ quan chức năng có thật sự làm khách quan, công tâm hay vẫn còn uẩn khúc, còn bị chi phối bởi các lợi ích nhóm bên trong.

"TCĐB cùng Bộ GTVT phải nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm soát không chỉ với Trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây (HLD) mà với tất cả các trạm thu phí khác trên toàn quốc. Nếu không tìm ra được, để xảy ra hậu quả phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần tận dụng các lực lượng khác trong xã hội, phương tiện thông tin đại chúng để cùng nhau phát giác các hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả hoạt động thanh tra cũng phải công bố minh bạch để chính người dân giám sát”, ông Long đề xuất.

VEC thừa nhận không đủ cơ sở "từ chối phục vụ vĩnh viễn” 2 xe ô tô

TCĐB VN vừa yêu cầu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) báo cáo về việc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên các tuyến đường do VEC quản lý.

Báo cáo TCĐB hôm qua 12.2, VEC cho biết, vào khoảng 18 giờ ngày 10.2, người điều khiển của hai phương tiện ô tô mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56 đi từ hướng Long Thành về TP.HCM, đến cabin thu phí đã không trả tiền phí, không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông.

Đặc biệt còn có hành động phá hoại tài sản, đe dọa đuổi đánh nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực. Sau khi xảy ra sự việc, VEC E đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để thực hiện điều tra, xử phạt theo quy định hiện hành, đồng thời đề xuất VEC xem xét từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện trên.

Ngày 12.2, VEC đã có văn bản trả lời không chấp thuận đề xuất của VEC E và nói rõ việc đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện trên trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là chưa đủ cơ sở pháp lý. VEC cho biết sẽ rà soát lại các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật.


TheoThanhNien

Các tin khác


Bứt phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu

Dự kiến ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng sẽ chủ trì các cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và quyết định một số vấn đề quan trọng…

Nâng cao ý thức, trách nhiệm trước công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Hòa Bình giàu đẹp, văn minh

(HBĐT) - LTS: Trước thềm xuân mới 2019, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Hòa Bình cuộc phỏng vấn, đánh giá kết quả đã đạt được và những giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu KT-XH năm 2019, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sức vươn cửa ngõ Lương Sơn

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn - một trong những cửa ngõ chiến lược của tỉnh đang nắm bắt những cơ hội phát triển, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, tạo những bước tiến vững chắc về công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đời sống nhân dân, chuẩn bị hành trang cần thiết để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại IV và huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Nét duyên Mường Động

(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng nên thơ như thác nước, hang động huyền ảo, hệ thống sông, hồ, núi non trùng điệp, đặc biệt là nguồn nước khoáng quý hiếm, trong lành, mát mẻ, Mường Động - Kim Bôi sở hữu đầy đủ tiềm năng. Những năm gần đây, tiềm năng ấy đã được khơi dậy tạo sự bứt phá về du lịch, dịch vụ và giờ đây Kim Bôi đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.

Người nuôi dưỡng chữ “tâm” với người tiêu dùng

(HBĐT) - Hơn 2 năm nay, người nội trợ ở TP Hoà Bình và một số địa chỉ ở Hà Nội quen thuộc với sản phẩm thịt lợn của bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình. Mặc dù nghề nuôi lợn có nhiều thăng trầm nhưng với hướng đi riêng, lựa chọn khách hàng khó tính đã đưa bà đến thành công. Hơn 400 con lợn trong chuồng hiện tại đã có địa chỉ đặt hàng. Làm được như vậy điều đầu tiên phải là người có tâm với nghề, có tâm với tiêu dùng.

Đưa hương chè tuyết núi Biều bay xa

(HBĐT) -Lần này về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), chúng tôi không còn bị "dọa” về những nhọc nhằn, gian khổ như xưa. Thay vào đó là lời mời nhiệt tình, hiếu khách của đồng chí Khương Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy xã: Bây giờ xóm Sưng đã biết làm du lịch, đường về xóm được đổ bê tông, các anh cứ băng băng mà đi. Cứ về Sưng đi! Ở đấy có nhiều điều thú vị lắm...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục