(HBĐT) - Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất, giá trị gia tăng chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang được xác định là hướng đi chủ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại cơ hội xóa đói - giảm nghèo, cải thiện đời sống và làm giàu ở nhiều địa phương trong tỉnh.


Công ty CP Sơn Thủy tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, năm 2018 nộp ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng.

Những ngày đầu năm 2019, chúng tôi đến thăm nhà máy chế biến gỗ và lâm sản đặt tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn của Công ty CP Sơn Thủy - doanh nghiệp có bề dày 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đưa chúng tôi đi thăm các khu vực sản xuất, ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty cho biết lý do ông cùng các cộng sự quyết định đầu tư vì Hòa Bình có nguồn nguyên liệu gỗ rừng dồi dào, là tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Năm 2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và luôn có sự tăng trưởng, phát triển ổn định. Hiện, công ty đã xây dựng được 2 nhà máy chế biến các sản phẩm từ gỗ keo, với các sản phẩm chủ yếu là gỗ ghép thanh, bàn ghế ngoài trời, chủ yếu xuất đi các nước châu Âu; các sản phẩm gỗ dán phim cung cấp cho khách hàng phục vụ đổ trần, cóp pha bê tông... Năm 2018, công ty đạt doanh thu 450 tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 200 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 - 7 triệu đồng/ người/tháng. 2 năm qua (2017 - 2018), công ty nộp ngân sách bình quân 20 tỷ đồng/năm, là doanh nghiệp dẫn đầu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2018. Công ty đang nghiên cứu mở rộng thêm một cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn.

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp cho người dân, cuối năm 2015, công ty triển khai chương trình hợp tác với nông dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - mô hình trồng rừng đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, tăng thu nhập cho nông dân trồng rừng. Đến nay, diện tích hợp tác trồng rừng của công ty có khoảng 5.000 ha tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy.

Phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, từng bước gắn với công nghiệp chế biến đang được nhiều địa phương xác định là hướng đi chủ đạo thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nhiều năm nay, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương, người trồng rừng phát triển kinh tế rừng khá hiệu quả, nhất là các huyện: Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn. Các hộ dân nơi đây trồng giống keo sinh trưởng tốt, gấp 1,5 - 2 lần giống keo cũ, năng suất tăng khoảng 20% so với các giống đại trà. Nhiều địa phương đã rà soát quy hoạch phát triển rừng trồng từ các giống cây bản địa mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội như trồng dổi ở Lạc Sơn vừa cho hạt đồng thời cho gỗ có giá trị kinh tế cao… Tỉnh duy trì tốt và hoàn thành các chỉ tiêu về trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, trung bình hằng năm trồng từ 6.000 - 8.000 ha. Hiện, mật độ che phủ rừng của tỉnh khá cao, đạt 51,2%. Toàn tỉnh đã có hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất ván MDF vào đầu tư trên địa bàn như: Nhà máy MDF Vinafor - Tân An, công xuất thiết kế 54.000 m3 ván MDF và 20.000 m3 ván ghép thanh/năm (hiện đã đầu tư xây dựng xong bắt dầu đi vào hoạt động); Nhà máy MDF Phú Thành, huyện Lạc Thủy, công suất thiết kế 40.000 m3 ván MDF/ năm, nhà máy BWG Mai Châu… Đây là những tiền đề để quy hoạch vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng với khai thác, chế biến lâm sản với thị trường tiêu thụ, phát triển nền lâm nghiệp sản xuất hàng hóa...

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Là tỉnh miền núi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, tỉnh ta có tổng diện tích rừng 460.869,09 ha, đất lâm nghiệp 332.813,1 ha, chiếm 72,21%, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt người dân có truyền thống về trồng rừng sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thế giới rất lớn, tăng tối thiểu khoảng 8%/năm. Đây là những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế rừng. Trong lộ trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản lượng gỗ xây dựng đạt khoảng 110.000 m3/năm, MDF khoảng 54.000 m3/năm, ván sàn và ván ghép thanh khoảng 25.000 m3/năm, trên 40.000 m3/năm đối với sản phẩm mộc gia dụng, 21.000 tấn/năm đối với bột giấy... Tỉnh đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản lượng đủ lớn để xuất khẩu. Giảm dần việc bán nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ chế như nguyên liệu giấy, dăm gỗ xuất khẩu hiện nay, thay bằng các sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng lớn. Rà soát, củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn. Bên cạnh đó, tổ chức quy hoạch, bố trí vùng nguyên liệu cho các trung tâm chế biến lớn, gắn trồng rừng với khai thác - chế biến lâm sản - thị trường tiêu thụ.

L.C

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục