Hiện ngành nông nghiệp TP Hà Nội mới cung cấp cơ bản được mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng cho thị trường; số lượng thịt bò, thủy sản, rau, củ quả, hoa quả các loại còn ở mức thấp. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tới đây Hà Nội cần tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đạt năng suất, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chăm sóc hoa lan ở Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng).
Trở thành tỷ phú nhờ nông nghiệp
Gần 10 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã từng bước xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Tính hết năm 2018, trên địa bàn có 126 mô hình nông nghiệp ƯDCNC, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017; trong đó, một số địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình. Thành phố hiện có khoảng 110 ha canh tác hoa ƯDCNC, điển hình như mô hình trồng hoa lan của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ngoài ra còn có hơn 924 ha sản xuất cây ăn quả ƯDCNC, với nhiều sản phẩm chất lượng: Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức), cam Canh (huyện Thanh Oai), chuối tiêu hồng (các huyện Thường Tín, Gia Lâm). Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, các mô hình sản xuất này tuy quy mô còn nhỏ, song đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Tại một số xã ở các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất..., số hộ dân trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm khá nhiều. Về chăn nuôi, đã có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.276 trại/ trang trại. Trong đó, ở các địa phương Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, nhiều hộ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một số vùng nuôi trồng thủy sản ở Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Trì cũng khởi sắc. Cùng với đó, Hà Nội xây dựng và duy trì hơn 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình... Chia sẻ với chúng tôi, chủ trang trại chăn nuôi Kiều Hữu Hợp (huyện Thạch Thất) cho biết, nhờ kết hợp "ao - chuồng” để vừa nuôi lợn rừng và cá, mỗi năm gia đình ông thu lãi cao, cuộc sống được nâng lên. Hiện giờ Hà Nội có nhiều tỷ phú nhờ làm nông nghiệp, như hộ anh Đỗ Huy Nghĩa ở Đan Phượng thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng hoa ly. Gia đình ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Phúc Thọ) thoát nghèo vươn lên làm giàu do nuôi lợn sinh học. Hộ anh Vũ Hữu Nghĩa (Gia Lâm) trồng cây cam cho thu nhập cao, cuộc sống ngày càng khấm khá. Hay gia đình ông Triệu Tiến Ích (Hoài Đức) có của ăn, của để từ trồng nhãn muộn.
Mở rộng thu hút đầu tư
Thời gian qua, mặc dù nông nghiệp Hà Nội có nhiều tín hiệu vui nhưng theo nhiều chuyên gia kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả chưa như mong muốn. Một trong những nguyên nhân chính là các doanh nghiệp (DN) đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, tổng vốn kinh doanh thấp. Do quy mô nguồn vốn ít cho nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đặc thù của nông nghiệp phải chịu nhiều rủi ro do thời tiết, biến động phức tạp của thị trường..., khiến các DN trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp khó thu hút vốn đầu tư. Nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, các nhà sản xuất chưa đồng đều, đôi khi chỉ vì lợi ích trước mắt mà không chú ý đến DN và chất lượng sản phẩm, cho nên chưa sản xuất được những mặt hàng mang tính cạnh tranh. Thủ tục cấp giấy chứng nhận cho DN và công tác thanh tra, kiểm tra còn rườm rà. Chi phí lấy mẫu kiểm tra định kỳ đối với các DN kinh doanh thực phẩm an toàn khá tốn kém, khiến sản phẩm bị đội giá, gây khó khăn trong hoạt động mua bán.
Để giải quyết những hạn chế nêu trên, thời gian tới, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần kịp thời có thêm những cơ chế đặc thù đủ mạnh nhằm hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy DN đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tổ chức chuỗi liên kết; hỗ trợ vùng để tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Có các chính sách về quỹ đất sạch cho DN để kết hợp chăn nuôi - trồng trọt, thực hiện các dự án liên kết; trợ giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng chính sách bảo hiểm thuận lợi để các DN và người dân tham gia, yên tâm sản xuất. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ DN và hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất hợp lý để họ đầu tư ƯDCNC trong nông nghiệp.
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, sẽ có thêm DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ƯDCNC đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn nữa trong tương lai ở Hà Nội.
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện Yên Thủy có doanh số cho vay đạt 97.125 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 76.160 triệu đồng.