Dây chuyền của dự án TISCO giai đoạn II đang trong tình trạng hoen gỉ, xuống cấp.
Ðiều chỉnh tăng vốn bất hợp lý
Dự án giai đoạn II của TISCO được triển khai với mục tiêu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác, chế biến quặng sắt), nhằm đạt năng lực sản xuất 500 nghìn tấn phôi thép/năm. Dự án gồm hai gói thầu chính: mỏ sắt Tiến Bộ (đã hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5-2014 với giá trị hơn 224 tỷ đồng) và xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá. Thông qua đấu thầu quốc tế, Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu.
Năm 2007, TISCO và MCC ký hợp đồng tổng thầu tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC) với giá hơn 160 triệu USD, được xác định là "trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện 30 tháng đã bao gồm các loại thuế, chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng". Ngay sau khi ký, MCC đã được tạm ứng hơn 35 triệu USD, với lý do giá vật tư tăng cao, 18 tháng sau, MCC chưa triển khai gì nhưng TISCO không có bất cứ động thái nào như áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, không báo cáo cấp thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, không thu hồi tiền tạm ứng, không phát hành thư đòi tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng,...
Tổng thầu MCC đề nghị tăng thêm giá trị gói thầu EPC hơn 134 triệu USD, chủ yếu tăng phần C (xây lắp). Nhằm gỡ khó khăn, TISCO kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép tách phần C khỏi hợp đồng EPC, giao cho nhà thầu trong nước thực hiện. Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinainco) được chọn làm nhà thầu thực hiện phần C với giá tạm tính 43 triệu USD (khoảng hơn 760 tỷ đồng), tuy nhiên sau khi được giao, Vinainco lại ký tiếp 40 hợp đồng, giao khoán cho 29 nhà thầu khác với giá 505 tỷ đồng. Nhiều hạng mục thực hiện chậm hoặc không thi công được do gặp khó khăn khi lắp đặt thiết bị công nghệ mà MCC thiết kế, chế tạo. Cuối năm 2012, nhà thầu Trung Quốc rút hết công nhân và máy móc về nước, đem theo hơn 90% số tiền mà TISCO đã thanh toán phần thiết bị, gói thầu bị ngừng trệ. Ðiều này cho thấy, hợp đồng EPC ký với MCC không chặt chẽ, không quy định cụ thể tiến độ thực hiện.
Những sai phạm của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư. Ngoài TISCO, trách nhiệm thuộc về Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO do buông lỏng kiểm tra, giám sát dự án, để TISCO và MCC ký thêm 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC không đúng quy định, gây bất lợi cho TISCO. Sau nhiều năm, giá cả vật tư ngày càng leo thang, đến năm 2012, TISCO và VNSTEEL có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin phê duyệt điều chỉnh TMÐT dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014.
Thời điểm đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị một số bộ, ngành cho ý kiến, phần lớn đều phản đối, cho rằng việc điều chỉnh tăng TMÐT cho dự án là thiếu cơ sở. Sau đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 22-4-2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng, nêu rõ "Hội đồng quản trị VNSTEEL quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMÐT dự án theo quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…" dẫn đến TISCO cho rằng, TMÐT điều chỉnh đã được Thủ tướng chấp thuận; Hội đồng quản trị TISCO ký quyết định điều chỉnh TMÐT dự án lên 8.100 tỷ đồng là không có cơ sở.
Từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động". Theo thời gian, dự án trở thành gánh nặng khiến cho VNSTEEL và TISCO lao đao trong nhiều năm. Trong thông báo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, xác định Bộ Công thương có sai phạm khi đề xuất tăng gấp hơn hai lần TMÐT dự án nhưng lại không yêu cầu TISCO, VNSTEEL lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định; thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa bảo đảm các điều kiện để triển khai dự án như nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định TMÐT; chấp thuận chọn nhà thầu phụ không đúng quy định, thẩm quyền.
"Ðống sắt gỉ" hàng nghìn tỷ
Từng nhiều lần đi khảo sát thực tế tại dự án trên diện tích hàng trăm héc-ta của nhà máy trên địa bàn TP Thái Nguyên, chúng tôi không khỏi xót xa khi dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng sau nhiều năm vẫn chỉ là một công trường ngổn ngang. Cả "núi tiền" đã bị biến thành những đống sắt vụn hoen gỉ ở dự án này. Hàng nghìn tấn vật liệu, thiết bị đã lắp đặt và được vận chuyển về trước đó đều trong tình trạng "đắp chiếu". Nhiều máy móc lắp đặt chưa hoàn chỉnh, hệ thống giàn sắt thép, các phân xưởng thi công trong tình trạng dở dang, các thiết bị xuống cấp, hư hỏng nằm giữa khuôn viên cỏ mọc um tùm. Trong đó, có 42 chiếc ô-tô trị giá hơn một triệu USD, năm đầu máy, toa xe trị giá hơn năm triệu USD. Ngoài ra còn có các máy móc, thiết bị đã nhập khẩu với tổng giá trị gần 32 triệu USD do MCC cung cấp đều sai khác về mã hiệu, thông số kỹ thuật, quy cách chủng loại, xuất xứ,… dẫn đến không sử dụng được và đang trong tình trạng hư hỏng nặng.
Khu vực lò cao với nhiều thiết bị máy móc hiện đại cũng chưa hoàn thiện, dang dở nằm giữa vùng đọng nước, sình lầy. Các kho chứa vật liệu trở thành những căn nhà hoang, xuống cấp trầm trọng. Hiện TISCO đang phải huy động cán bộ, công nhân viên thay nhau bảo trì, bảo vệ tài sản, thiết bị máy móc của dự án.
Tính đến thời điểm thanh tra vào đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án gần 3.900 tỷ đồng, riêng tiền lãi đã tương đương với TMÐT ban đầu của dự án. Ðiều đáng nói, mỗi tháng "đống sắt gỉ" ấy vẫn ngốn một khoản lãi vay hơn 40 tỷ đồng và các khoản chi phí khác chưa lường hết được. Ðến nay, tương lai dự án rất mờ mịt. Những "đống sắt gỉ" trị giá hàng nghìn tỷ đồng rất khó có thể vận hành hiệu quả do công nghệ cũ nát, lạc hậu.
Việc này lãnh đạo TISCO và VNSTEEL cùng một số cán bộ liên quan phải chịu trách nhiệm trong việc ký các phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng hàng hóa, bất lợi cho chính TISCO, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo VNSTEEL và TISCO thu hồi của MCC hơn 11,6 triệu USD tiền thuế nộp thay; hơn 4.700 tỷ đồng chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị; gần 710 nghìn USD phí quản lý phần C. Ngoài ra, thu hồi hơn 3.000 tỷ đồng và gần 440 nghìn USD tiền chi cho các tổ chức, cá nhân sai quy định, hơn 3.200 tỷ đồng các khoản chi sai quy định,…
Trong khi dự án lâm cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, công nhân thiếu việc làm, mức thu nhập quá thấp, thì ông Trần Văn Khâm, Tổng Giám đốc TISCO (từ năm 2009 - 2014) lại xây căn biệt thự (trái phép) đồ sộ, được nhiều người dân cho là to nhất vùng. Thanh tra Chính phủ đã chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan khuyết điểm, sai phạm tại dự án. Ðồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự. Ðơn cử, việc Tổng Giám đốc TISCO và một số cán bộ của TISCO, VNSTEEL, Bộ Công thương có liên quan việc ký các biên bản thỏa thuận phân chia công việc phần C; ký hợp đồng giao Vinainco và các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C; thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng hợp đồng EPC, làm phát sinh tăng TMÐT.
Tổng Giám đốc TISCO và một số cán bộ liên quan ký các phụ lục hợp đồng EPC, các văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, không đúng nguồn gốc xuất xứ theo hợp đồng,… gây bất lợi cho TISCO, ảnh hưởng chất lượng công trình; phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho MCC, các nhà thầu phụ và tổ chức tư vấn sai quy định, nếu không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư. Việc Vinainco lập dự toán phần C theo đơn giá điều chỉnh, báo cáo các cấp có thẩm quyền thiếu căn cứ, vi phạm hợp đồng phần C, chậm tiến độ và phát sinh tăng TMÐT, bán thầu hưởng phí trái pháp luật.
Có thể thấy, việc để thất thoát, thua lỗ, sai phạm dự án này là một điển hình của sự yếu kém trong quản lý đầu tư dự án ngành Công thương. Những sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là cơ sở để xác định nguyên nhân, trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan, có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Ðồng thời, quy trách nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch nhằm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm; tập trung thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát. Hiện nay, dự án đứng trước các vấn đề hết sức nan giải về pháp lý, công nghệ lạc hậu, vận tải khó khăn, tốn kém, không hiệu quả. Bộ Công thương cần phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến xử lý vướng mắc; đánh giá lại tính hiệu quả, khả năng tiếp tục triển khai của dự án để tránh lãng phí nguồn lực quốc gia.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện Yên Thủy có doanh số cho vay đạt 97.125 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 76.160 triệu đồng.