Sau Tết Nguyên đán, Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà đã trở lại hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động địa phương.
Đầu xuân chúng tôi đến nhà máy của Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni tại KCN bờ trái sông Đà. Gần 400 công nhân đã quay lại làm việc, hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Khí thế lao động sản xuất khẩn trương đang diễn ra ở tất cả các công đoạn từ thiết kế mẫu, dệt, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói... Môi trường sản xuất thân thiện. Nhà xưởng được xây dựng khoa học, có không gian thoáng mát, hệ thống máy móc hiện đại vận hành trơn chu. Công nhân được bố trí ở những vị trí phù hợp theo trình độ tay nghề lao động. Các bộ phận thao tác chính xác, đúng thời gian để luôn đạt chỉ tiêu sản xuất nhưng không có hàng hỏng, thực hiện mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Giám đốc Công ty dệt kim Hòa Bình Koyuseni Vũ Thị Thu Hoài cho biết: Công ty đã tổ chức khai xuân và chính thức trở lại hoạt động bình thường vào mùng 7 tháng giêng và đã phát động phong trào thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2019.
Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni đi vào hoạt động từ năm 2015, là doanh nghiệp 95% vốn đầu tư Hàn Quốc, đã thực hiện đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm tất cao cấp cung cấp chủ yếu cho thị trường Nhật Bản. Nhà máy có quy mô sản xuất 12 triệu đôi/năm. Từ việc đầu tư nhà xưởng, dây chuyền máy móc hiện đại, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, chăm lo xây dựng môi trường làm việc cho người lao động, công ty đã có sự phát triển ổn định. Các sản phẩm đều được khách hàng đánh giá chất lượng tốt, đảm bảo thời gian giao hàng đúng thời điểm. Đơn đặt hàng không ngừng tăng, sản lượng sản xuất ra, cùng chất lượng sản phẩm không ngừng đi lên. Năm 2018, Công ty có sự tăng trưởng về doanh thu so với năm 2017 là 244,8%, tương đương đạt gần 120 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động tăng 10,1% so với năm 2017. Công ty đang phát động phong trào thi đua hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển ý tưởng sản phẩm, sản xuất sản phẩm cao cấp và mẫu mã đẹp cùng với dịch vụ hoàn hảo nhất, đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp xuất nhập khẩu tất lớn cho thị trường Nhật Bản và trong nước; xây dựng và phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất lớn nhất khu vực miền Bắc.
Những ngày qua, hầu hết các doanh nghiệp KCN Lương Sơn đã trở lại hoạt động và bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2019. Công ty TNHH HNT Vina (100% vốn Hàn Quốc) có nhà máy sản xuất camera module dành cho điện thoại di động với tổng mức đăng ký đầu tư 20 triệu USD, quy mô 120 triệu sản phẩm/năm, 100% sản phẩm được xuất khẩu. Giám đốc Công ty HNT Park In Chul cho biết: Hoạt động của Công ty rất khả quan, quy mô sản xuất, nguồn nhân lực, doanh thu hàng năm và hiệu quả đầu tư dự án năm sau đều có sự tăng trưởng. Công ty duy trì sản lượng 10 triệu sản phẩm/tháng. Công ty khá yên tâm khi sau Tết Nguyên đán đã có 99% công nhân quay trở lại và bắt tay vào sản xuất. Năm 2019, Công ty dự tính tập trung chuyển giao công nghệ, phối hợp liên kết đào tạo, tăng cường nhân lực, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, chăm lo tới điều kiện và đời sống người lao động, cống hiến cho kinh tế của tỉnh.
Theo ghi nhận ban đầu, sau Tết, nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, triển khai các phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch sản xuất theo tháng, quý của năm 2019 như: Công ty TNHH Sankoh, Công ty TNHH Thấu kính R, Công ty may GGS Việt Nam... (KCN bờ trái sông Đà); Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam, HNT ViNa, Esquel, Nissin Manufaturing Việt Nam, Seyong INC, Midori Apparel Việt Nam... (KCN Lương Sơn).
Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Dương Như Rụ cho biết: Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, công nhân đã trở lại làm việc tại các doanh nghiệp KCN để thực hiện kế hoạch năm 2019. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm, hứa hẹn một năm đầy triển vọng cho sự phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu của tỉnh. Các KCN trong tỉnh hiện có 87 dự án đầu tư, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 607,63 triệu USD và 62 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 7.172 tỷ đồng. Đã có 49 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 1/2019, các doanh nghiệp thực hiện doanh thu 45 triệu USD và 100 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 43 triệu USD và 12 tỷ đồng, nộp ngân sách 0,4 triệu USD và 15 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 17.858 người, trong đó 90% là người địa phương.
Lê Chung
(HBĐT) - Năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện Yên Thủy có doanh số cho vay đạt 97.125 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 76.160 triệu đồng.