(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Tân Lạc khoảng 20 km, xã vùng cao Quyết Chiến thuộc vùng 135, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 19 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31%. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, HTX có 40 thành viên với tổng diện tích rau an toàn khoảng 20 ha, trong đó có 17 ha rau su su và một số loại rau, củ, quả khác… Trung bình mỗi hộ gia đình thành viên trồng từ 2.000 - 3.000 m2, tập trung tại các xóm: Biệng, Bắc Hưng, Cá, Khao. Sản lượng năm 2018 của HTX ước đạt 400 tấn rau các loại, tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường tiêu thụ tại các siêu thị lớn tại Hà Nội, Vĩnh Phúc…
Chị Đinh Thị Quyết, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến cho biết: "So với các giống cây trồng khác, rau su su được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Trung bình HTX thu mua của xã viên giá ổn định 6.500 đồng/kg. Sau khi sơ chế, đóng gói bao bì, xuất ra thị trường với giá 10.000 đồng/kg. Các thành viên khi tham gia HTX được hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ áp dụng vào quá trình sản xuất. Trung bình hàng tháng, mỗi thành viên HTX có thể thu về từ 10 - 12 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 5 triệu đồng. Chu kỳ thu hoạch rau su su kéo dài 7 tháng, từ tháng 4 - tháng 12 hàng năm”.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng thêm thu nhập, HTX tuyên truyền, vận động các thành viên nhân rộng diện tích rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ động trồng thêm các loại rau, củ, quả phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, tạo nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng; liên kết với công ty, siêu thị tại các thành phố lớn để đảm bảo đầu ra cho HTX.
Bên cạnh việc tận dụng lợi thế khí hậu tự nhiên để phát triển mô hình sản xuất rau an toàn, xã tuyên truyền, vận động nhân dân năng động, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế mới đem lại thu nhập cao. Năm 2018, xã duy trì tổng diện tích gieo trồng đạt 377,3 ha, vượt 106,9 kế hoạch. Mở rộng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 15.000 con, trong đó đàn gia cầm chiếm 83%. Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ như: nấu rượu, sản xuất gạch bi, đan lát… giải quyết việc làm cho người lao động. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt 20,4 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn 214 triệu đồng từ Chương trình 135 để hỗ trợ người dân mua cây, con giống, phân bón… Ngoài ra, xã phối hợp với Ngân hàng CSXH, NN&PTNT huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 7,9 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng chí Bùi Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến khẳng định: "Là cửa ngõ của 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc, xã có trục đường tỉnh 440 chạy qua thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Nông sản của người dân làm ra có thể tiêu thụ tại các chợ lân cận như: chợ Lũng Vân (xã Lũng Vân), chợ Lồ (xã Phong Phú)... Tận dụng những tiềm năng, lợi thế, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, trong đó, xác định rau su su là cây trồng giảm nghèo trong thời gian tới. Xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn, tạo mối liên kết với các công ty mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đức Anh