(HBĐT) - Đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa nhằm ổn định và không ngừng nâng cao đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ) trong các khu công nghiệp (KCN). Đó là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ yên tâm lao động, sản xuất, có nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn nghệ, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa ở các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.


Điều kiện làm việc và sinh hoạt từng bước được cải thiện giúp công nhân lao động Công ty Doosung Tech (KCN Lương Sơn) yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 8 KCN được Chính phủ cho phép quy hoạch và đầu tư với 87 dự án, gồm 23 dự án FDI và 64 dự án trong nước. Trong đó, có 49 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 16.957 CNLĐ với 90% là lao động địa phương, chiếm gần 50% lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, doanh nghiệp trong các KCN cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động. Tình hình lao động, ANTT tương đối ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ được quan tâm, với mức thu nhập bình quần đạt 5,4 triệu đồng/ người/tháng. Hiện, có 5 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở thực hiện hỗ trợ cho CNLĐ có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo; 4 nhà trẻ trong các doanh nghiệp chăm sóc, nuôi dưỡng trên 110 cháu; 5 doanh nghiệp bố trí phòng vắt, trữ sữa cho nữ CNLĐ.

Hoạt động tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp và CNLĐ về xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong các KCN được chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã cấp phát miễn phí 110.595 tờ Báo Lao Động, 3.636 cuốn tạp chí Lao động và Công đoàn, 4.500 cuốn "Thông tin hoạt động công đoàn tỉnh Hòa Bình” cho Công đoàn cơ sở doanh nghiệp; lắp đặt 4 cụm loa truyền thanh tại KCN Lương Sơn. Các huyện, thành phố và các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức 28 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng, chống tai - tệ nạn xã hội cho trên 4.300 lượt CNLĐ của hơn 200 doanh nghiệp. Cấp phát trên 3.600 tài liệu, tờ rơi cho doanh nghiệp liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động, chế độ đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng lương và BHXH của người lao động (NLĐ). Vấn đề nhà ở và thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu của NLĐ, hầu hết các KCN chưa có nhà ở, nhà trẻ. Hiện tại, KCN Lương Sơn chưa xây dựng được khu nhà ở công nhân, KCN bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) đã xây dựng khu nhà ở xã hội và đưa vào sử dụng, nhưng đối tượng là CNLĐ trong KCN chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, tại các KCN có 10 doanh nghiệp xây dựng được nhà ở cho trên 500 CNLĐ. Vì vậy, phần lớn CNLĐ trong các KCN phải thuê nhà ở của người dân địa phương, số lượng ước khoảng trên 3.000 người.

Nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhà trẻ và siêu thị hoặc điểm bán hàng hóa thiết yếu là vấn đề nhiều CNLĐ ở các KCN quan tâm, bức xúc. Từ xã Tân Pheo (Đà Bắc) vào làm việc tại KCN bờ trái sông Đà, chị Lường Thị Oanh cho biết: Thu nhập mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng, nhưng đã mất 600.000 đồng thuê nhà trọ. Ngoài ra, còn ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, nên hầu như chúng tôi không có tích lũy. Làm công nhân may tại KCN Lương Sơn, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: Với mức thu nhập bình quân của CNLĐ khoảng 5 triệu đồng/ người/tháng chưa đảm bảo đời sống cho NLĐ, nhiều người phải làm thêm giờ, tăng ca để tăng thu nhập. Do cường độ lao động căng thẳng nên ít có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa, giải trí. Mới lập gia đình và sinh con, chị Trần Thị Thu ở KCN Lương Sơn phàn nàn: Không còn cách nào khác, tôi phải đón bà nội lên trông cháu, không kể tiền thuê phòng trọ, sinh hoạt hàng tháng của 3 bà cháu, mẹ con trông chờ vào một suất lương hơn 5 triệu đồng. Thực sự là phải hết sức tằn tiện mới tạm đủ trang trải.

Nhà ở, nhà trẻ cho CNLĐ và hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp CNLĐ tạo lập lối sống văn hóa, yêu lao động, yên tâm lao động, sản xuất, có ý thức phấn đấu vươn lên. Để đáp ứng yêu cầu đó, đại diện LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Ban quản lý các KCN tỉnh cho rằng, thời gian tới cần tập trung khắc phục một số hạn chế, nguyên nhân, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các KCN, khu chế xuất” ở một số cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm hỗ trợ kinh phí và phối hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNLĐ. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao tại các KCN còn thiếu. Nhận thức của chủ đầu tư KCN về xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa cho CNLĐ còn hạn chế, do vậy các KCN chưa xây dựng được các thiết chế văn hóa, nhà trẻ, nhà ở cho NLĐ.

Đức Phượng


Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục