(HBĐT) - Đáng nhẽ, đến thời điểm này, mía đã phải bán hết từ 1 - 2 tháng trước, nhưng ở xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), vẫn còn trên 150 ha mía tím đứng vườn. Mía ế, giá bán rẻ như cho, người nông dân trồng mía nơi đây lại phải trải qua một vụ mía "đắng” nữa.
Trong 5 năm trở lại đây, cây mía đã khiến người nông dân trồng mía ở xã Mỹ Hòa nói riêng và huyện Tân Lạc nói chung luôn trong tình trạng điêu đứng. Thế nhưng, "nếu không trồng mía, bà con chưa biết trồng cây gì”, nên vụ mía năm 2018, diện tích trồng mía tím ở xã Mỹ Hòa vẫn duy trì trên 300 ha. Theo đồng chí Bùi Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, mấy vụ gần đây, việc tiêu thụ mía tím đều gặp nhiều khó khăn, nhưng vụ mía năm nay là khó khăn nhất, vì đã ở những ngày cuối tháng 3, thời điểm những năm trước mía đã bán hết, mà hiện nay, cả xã vẫn còn trên 150 ha chờ tư thương đến thu mua. Cây mía tím đã gắn bó với nông dân xã Mỹ Hòa gần 20 năm và được trồng nhiều nhất từ 10 năm trở lại đây. Với trên 90% hộ dân trồng mía, cây mía tím là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. "Đầu vụ, tư thương trả giá cao, nhiều vườn đã đặt cọc nên bà con rất phấn khởi, hy vọng vụ mía bội thu. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà nhiều vườn đã đặt cọc mà mãi chưa thấy tư thương chặt mía. Còn những vườn khác thì không có người mua. Việc tiêu thu chậm như vậy khiến chất lượng cây mía suy giảm, giá bán hiện nay rất rẻ, chỉ từ 1.000 - 1.500 đồng/cây, bà con lỗ nặng” - đồng chí Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa trăn trở.
Phía trước trụ sở UBND xã Mỹ Hòa là bãi đất rộng, khá bằng phẳng và được bao phủ bằng sắc xanh pha đỏ vàng của những cây mía đã "quá tuổi”. Đó là khu trồng mía rộng lớn của xóm Chù Bụa, xóm có diện tích mía lớn nhất của xã Mỹ Hòa. Bãi mía rộng vài chục ha nhưng chỉ có một số ít vườn đã bán được, còn lại, đa số mía của bà con bị gẫy đổ. Hôm chúng tôi đến chỉ bắt gặp một xe ô tô của tư thương đến thu mía của một hộ dân ở xóm Chù Bụa. Qua trao đổi được biết, vườn mía này đã được tư thương đặt cọc từ trong Tết với giá bán 4.000 đồng/cây. "Mấy năm nay, năm nào tôi cũng lên mua mía trên này. Mía ở khu vực này là ngon nhất. Tuy nhiên, năm nay, do mưa nhiều, thị trường rất ảm đạm nên dù đặt cọc lâu rồi nhưng hôm nay mới dám chặt. Bây giờ thì khá hơn một chút nhưng cũng phải vài hôm mới dám chở thêm một xe nữa” - một tư thương người Thái Bình chia sẻ.
Với số ít những hộ được tư thương đặt cọc từ trước thì giá bán được bình quân khoảng 4.000 đồng/cây, những vườn còn lại thì giá bán rất rẻ. Gia đình anh Bùi Văn Thành, xóm Chù Bụa duy trì trồng mía từ nhiều năm nay với diện tích gần 6.000 m2. Theo anh Thành, có năm được mùa, được giá, vườn mía đem lại thu nhập trên 70 triệu đồng. Còn vụ mía này, với giá bán 10.000 đồng/15 cây, hơn 3.000 m2 mía đã bán mới đem lại nguồn thu 7,5 triệu đồng. "Trồng mía tím vất vả lắm. Tính ra, để trồng được một cây mía đến lúc thu hoạch, chúng tôi phải đầu tư khoảng 3.500 đồng. Như vậy, nếu giá mía dưới 4.000 đồng/cây thì chúng tôi bị lỗ, còn giá bán như hiện nay thì lỗ nặng” - anh Thành ngậm ngùi chia sẻ.
Với thị trường tiêu thụ bấp bênh như những năm trở lại đây, vụ vừa rồi, nhiều hộ dân ở xã Mỹ Hòa phải vay ngân hàng, nợ tiền phân bón để tái đầu tư cho cây mía. Với tình hình tiêu thụ như hiện nay, tâm lý của bà con đang rất hoang mang. Mía không bán được, các hộ cũng không giải phóng được đất để làm vụ mới. Đồng chí Bùi Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa thừa nhận, để tìm đầu ra cho cây mía là điều rất khó khăn vì nhiều năm nay, việc sản xuất của bà con hoàn toàn thụ động, không hề có các hợp đồng ký kết với các đầu mối tiêu thụ. Chính quyền và người trồng mía ở Mỹ Hòa rất mong các cấp, ngành cùng chung tay, tìm đầu ra để tháo gỡ khó khăn cho cây mía. "Vừa rồi, có hướng xuất khẩu mía tím sang Nhật Bản nhưng đòi hỏi chất lượng sản phẩm rất cao. Với trình độ canh tác hiện nay của bà con thì chưa đáp ứng được. Do đó, chúng tôi mong muốn được ngành hữu quan hỗ trợ để sản xuất của bà con ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài” - đồng chí Bùi Văn Dềnh bày tỏ.
Viết Đào