Trải qua 2 chu kỳ từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, liên kết ngày càng nhân rộng về quy mô diện tích và số hộ. Đến chu kỳ hiện tại đã đạt diện tích mía liên kết 161 ha với 691 hộ tham gia. Tại các xã vùng nghèo huyện Đà Bắc như Trung Thành, Yên Hòa, liên kết sản xuất chè shan tuyết cũng được đánh giá cao về hiệu quả giảm nghèo bền vững. Kể từ năm 2015 khi bắt tay vào triển khai hoạt động đến nay, liên kết chè shan tuyết đã duy trì quy mô diện tích 46,97 ha với tổng số hộ tham gia là 213 hộ, tăng 15 hộ so với chu kỳ đầu.
Chè shan tuyết huyện Đà Bắc, cà gai leo và mía huyện Yên Thủy, liên kết mía huyện Tân Lạc, Lạc Sơn... là những liên kết có tác động tích cực không chỉ đến đời sống thu nhập của người dân các xã vùng nghèo mà còn giúp họ chủ động hơn trong sản xuất, tổ chức hoạt động theo nhóm, tiếp cận thị trường, sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, bán sản phẩm theo hợp đồng. Theo đồng chí Bùi Minh Tráng, Trưởng BQL Dự án Giảm nghèo tỉnh, trong giai đoạn 2012 - 2018, tỉnh ta đã thực hiện 37 liên kết đối tác sản xuất với doanh nghiệp có tổng mức đầu tư vốn Ngân hàng Thế giới gần 84,5 tỷ đồng, tổng cộng 8.567 hộ tại 5 huyện vùng Dự án gồm Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu. Trong đó, quy mô diện tích và số hộ tham gia nhiều nhất ở 3 huyện Đà Bắc, Lạc Sơn và Yên Thủy.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ chè shan tuyết của Dự án Giảm nghèo mang lại thu nhập bền vững cho hộ hưởng lợi xã Trung Thành (Đà Bắc).
Trong chu kỳ sản xuất đầu tiên, hầu hết các liên kết đối tác sản xuất có tỷ lệ giải ngân vốn dự án và diện tích thực hiện thấp hơn so với kế hoạch. Nhưng đến chu kỳ sản xuất tiếp theo, quy mô diện tích các liên kết đều tăng lên. Đơn cử như liên kết mía và cà gai leo huyện Yên Thủy, liên kết mía huyện Tân Lạc và Lạc Sơn... Từ các hoạt động liên kết, người dân tham gia có thu nhập để cải thiện cuộc sống, sản phẩm thu được mang lại giá trị kinh tế cao hơn các cây trồng truyền thống như ngô, lạc, sắn, khoai. Ông Bùi Văn Dương, hộ tham gia trồng mía liên kết xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) phấn khởi cho biết: Xóm có trên 30 hộ tham gia liên kết mía thuộc Dự án Giảm nghèo. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi vẫn duy trì diện tích mía liên kết bởi vì nhờ đó với sự hỗ trợ bước đầu về giống, vốn, kỹ thuật, "bắc cầu" để kết nối nông dân và doanh nghiệp, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng trọt tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây trồng sắn. Sản phẩm làm ra được đơn vị ký hợp đồng tổ chức thu mua toàn bộ.
Cũng theo đồng chí Bùi Minh Tráng, Trưởng BQL Dự án Giảm nghèo tỉnh, Dự án được triển khai trên 374 thôn, bản thuộc 42 xã thuộc 5 huyện. Bên cạnh các hoạt động khác với mục tiêu hỗ trợ sinh kế, nâng cao mức sống người hưởng lợi, các liên kết đối tác sản xuất đã góp phần hỗ trợ các huyện tham gia Dự án trong việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Qua hoạt động các liên kết, người dân biết tự tính toán các chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được khi giá sản phẩm tăng, giảm cũng như tính toán những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sản xuất và đưa ra phương án phòng tránh. Người dân và doanh nghiệp đối tác chủ động trao đổi và thống nhất giá cả sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc hộ hưởng lợi từ liên kết có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Đa số liên kết qua khảo sát, đánh giá phù hợp với cơ cấu cây trồng của hộ và điều kiện sản xuất còn thiếu vốn và kiến thức của người nghèo. Dự án đã huy động được một lượng lớn số hộ nghèo tham gia, hình thành 64 nhóm đồng sở thích (CIG), phát triển lên thành 53 tổ hợp tác và 11 hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Bùi Minh