Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Nhằm đạt mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Huyện đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Hùng Tiến, Kim Sơn, Nam Thượng, Mỵ Hòa... Năm 2018, tổng diện tích có gần 1.300 ha, diện tích kinh doanh trên 360 ha, sản lượng đạt 7.800 tấn, giá trị thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha.
Năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu tập thể. Từ hiệu quả mang lại, huyện đã chỉ đạo mở rộng quy hoạch, tăng diện tích nhãn ở Sơn Thủy và các xã lân cận lên hơn 300 ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 136 ha. Năm 2018, sản lượng nhãn đạt 1.160 tấn, thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, huyện Kim Bôi đã có 149 ha cây có múi, tập trung ở các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn được chứng nhận ATTP, VietGap; 34 ha nhãn ở Sơn Thủy và 3,2 ha cây có múi tại xã Vĩnh Tiến được chứng nhận hữu cơ, nhờ đó tạo dựng được thị trường tiêu thụ thuận lợi tại Hà Nội và một số tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.
Đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác thăm quan mô hình liên kết trồng ớt tại xã Thượng Bì.
Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, phát huy tối đa các thế mạnh sẵn có, huyện Kim Bôi đã chủ động xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết các doanh nghiệp, HTX gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện có chuỗi cây ăn quả có múi diện tích 149 ha của HTX NN&TM Mường Động; liên kết với Công ty Tân Lộc Phát thực hiện chuỗi trồng bí đỏ lấy hạt trên 86 ha, trồng dưa chuột lấy hạt 7,3 ha; liên kết với Công ty Nhiệt đới, Công ty Hai mũi tên đỏ trồng chuỗi mướp đắng lấy hạt diện tích 33 ha, bí xanh lấy hạt 3,2 ha; liên kết với Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) xây dựng chuỗi ngô ngọt quy mô 154 ha và thực hiện chuỗi ngô ngọt 10 ha với Công ty NW Gia Bảo Thái Bình; chuỗi dưa chuột Nhật với Công ty Pacific; chuỗi ớt 8 ha với Công ty Ớt Việt Nam; chuỗi sả 23,3 ha của HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ; chuỗi Sa chi 5,8 ha với Công ty Inca Việt Nam; chuỗi chanh leo 5 ha với Công ty CP Nafoods Tây Bắc; chuỗi hoa ly 4 ha trồng trong nhà lưới với Công ty Hoa Nhiệt đới.
Bên cạnh đó, huyện còn phát triển 22 HTX, 15 trang trại, trong đó có 11 HTX hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, huyện có 5 HTX xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận ATTP là HTX NN&TM Mường Động, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hợp Kim, trang trại Linh Dũng và 10 ha rau an toàn ở HTX Hạ Bì, Nam Thượng.
Đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi chia sẻ thêm: Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã chú trọng dồn điền, đổi thửa, sản xuất tập trung, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh với tổng diện tích trên 3.400 ha. Điển hình như vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa các loại với diện tích 900 ha; vùng trồng khoai tây hơn 60 ha; vùng mía khoảng 700 ha...
Năm 2018, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt đã góp phần tích cực nâng tổng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của ngành trồng trọt huyện Kim Bôi đạt trên 580 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, chiếm 69,2% cơ cấu ngành nông nghiệp. Cũng nhờ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,17% năm 2016 xuống còn 20,17% năm 2018; thu nhập bình quân đạt trên 24 triệu đồng/người/năm.
Hoàng Nga