Các hộ dân phố Lâm Lưu, xã Phú Cường mở rộng phát triển dịch vụ thương mại, sản xuất vật liệu xây dựng.
Đồng chí Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: "Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập chính cho người dân. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế còn thiếu tính bền vững. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và chưa đồng đều, chưa tạo thành vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, xã đã mạnh dạn tuyên truyền, vận động nhân dân nhạy bén trước nhu cầu của thị trường để phát triển hiệu quả DV-TM. Trong đó, tận dụng tuyến đường quốc lộ 6 chạy qua địa bàn xã 9 km, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao thương, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, chợ phiên Phú Cường được họp vào thứ bảy hàng tuần thu hút đông đảo người dân trong xã và các vùng lân cận đến trao đổi, mua bán hàng hóa.
Theo số liệu thống kê, nếu năm 2015, tỷ trọng cơ cấu kinh tế kinh doanh DV-TM chỉ chiếm khoảng 15%, thì đến hết năm 2018 đã tăng lên 25%. Hoạt động DV-TM ngày càng được mở rộng, việc lưu thông hàng hoá có nhiều thuận lợi hơn. Trên địa bàn hiện có trên 80 hộ kinh doanh DV-TM. Trong đó, chủ yếu là buôn bán tạp hóa, điện tử dân dụng, sản xuất và cung cấp VLXD... Các ngành nghề TTCN được khôi phục với các mặt hàng đồ mộc, đan lát… Hầu hết các cơ sở kinh doanh hoạt động nằm tại khu vực phố Lâm Lưu, mặt đường quốc lộ 6.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Sao ở phố Lâm Lưu, chủ cơ sở sản xuất VLXD Sao Trang, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Qua tìm hiểu được biết, ông Sao bắt tay vào sản xuất gạch bê tông, kinh doanh dịch vụ vận tải từ trước năm 2010. Trong quá trình phát triển, ông tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất xưởng, kinh doanh thêm các mặt hàng VLXD cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, ông Sao bán ra thị trường 30.000 viên gạch bê tông, 100 m3 cát, sỏi. Lợi nhuận năm 2018 sau khi trừ chi phí ước đạt trên 200 triệu đồng.
Ông Sao phấn khởi chia sẻ: "Xã hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển hiệu quả DV-TM như vị trí địa lý, đường giao thông… Chính vì vậy, so với sản xuất nông nghiệp, kinh doanh DV-TM cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất VLXD Sao Trang còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3- 4 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng tùy vào mức độ hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ phát triển và mở rộng quy mô DV-TM trên địa bàn, xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề hàn xì, may mặc thu hút nguồn lao động nông thôn tham gia. Nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT với tổng dư nợ đạt 77,7 tỷ đồng tạo điều kiện cho người dân được vay vốn phát triển kinh tế.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy hiệu quả các mô hình kinh doanh DV-TM trên địa bàn. Nằm bắt nhu cầu của thị trường để kịp thời cung cấp các sản phẩm uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở SX-KD. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh