(HBĐT) - Những tuyến đường gồ ghề, lầy lội từng bước được cứng hóa bằng bê tông. Nhà văn hóa xóm, bản được xây dựng kiên cố, khang trang là nơi tụp họp, vui chơi, giao lưu văn nghệ, thể thao của dân cư trên địa bàn. Những thửa ruộng một vụ bạc màu, khô hạn giờ xanh mướt những dưa, ớt, bí xanh, ngô ngọt. Những trang trại, gia trại nuôi gà bản địa từ vài trăm đến vài nghìn con. Vườn tạp đã được cải tạo thành những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao… Đó là minh chứng thể hiện rõ sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân các xã vùng 135 huyện Kim Bôi để giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương mình.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi và lãnh đạo xã Sơn Thủy kiểm tra chất lượng tuyến đường xóm Khoang được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình 135 trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi Nguyễn Thành Trung cho biết: với tổng số 20 xã và 8 xóm thuộc 3 xã vùng 2 được thực hiện Chương trình 135, những năm qua, huyện Kim Bôi đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo... Qua đó, đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT - XH, giữ vững QP - AN, đảm bảo TTATXH trên địa bàn. Đặc biệt, các chương trình, dự án được lồng ghép và thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng càng thêm củng cố lòng tin và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân về tính thiết thực, hiệu quả đối với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, đến nay, 100% đường huyện, đường đến trung tâm các xã trong huyện và 70% đường trục thôn, bản và liên thôn, bản đã được nhựa hóa và bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GT - VT. Trên 57% đường ngõ, xóm đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 80% đường trục chính nội đồng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Từ năm 2016 đến nay, 19 công trình hồ, trên 207 km kênh, mương được đầu tư kiên cố, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã đạt được kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ các dân tộc ở cơ sở từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, từ năm 2016 đến nay, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giải ngân trên 14,3 tỷ đồng để cung cấp giống cây trồng, phân bón, hỗ trợ máy cày bừa D8, D12 đồng bộ, máy bơm nước thủy luân, phun thuốc trừ sâu, thái thức ăn gia súc, tập huấn kỹ thuật để xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trồng dưa chuột Nhật, nuôi vịt… với 8.085 hộ và nhóm hộ được hưởng lợi. Ngoài ra, toàn huyện có 4.951 hộ được hỗ trợ trên 6,4 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt phân tán. Các xã, thôn, bản đều quản lý, sử dụng tốt các loại sách, báo, tạp chí được cấp không thu tiền. Hàng năm, 187 người có uy tín được thăm hỏi, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần…
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Bùi Văn Lực chia sẻ: Là xã thuộc Chương trình 135, những năm qua, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ cây giống, phân bón, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Các công trình đều do UBND xã làm chủ đầu tư và được nhân dân giám sát chặt chẽ, không chỉ đảm bảo chất lượng, tiến độ mà còn nâng cao trình độ quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện, toàn xã có 160 ha cây ăn quả gồm các cây trồng chính là nhãn và bưởi. Qua đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống dân cư trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 20,06%, thu nhập bình quân đạt trên 23,4 triệu đồng/người/năm.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác dân tộc, cơ sở hạ tầng, diện mạo khu vực nông thôn huyện Kim Bôi ngày càng khang trang. Nhân dân các dân tộc đã đổi mới nếp nghĩ, cách làm, luôn hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực nông thôn của huyện giảm còn 20,17%, thu nhập bình quân đạt trên 22,6 triệu đồng/người/ năm. Kết quả đó góp phần quan trọng để an ninh chính trị ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kim Bôi luôn ổn định, giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đức Phượng
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi, đào tạo cán bộ, tạo bước phát triển mới trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng "chảy máu chất xám” do những bất cập trong chế độ đãi ngộ người tài. Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị công nghệ cao và thông minh, TP Hồ Chí Minh cần sớm có chính sách đột phá để tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học…
(HBĐT) - Ngày 9/5, UBND huyện Lạc Thủy đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước năm 2019.
(HBĐT) - Nếu như trước đây ở Phú Lai (Yên Thủy), cây hành, tỏi chỉ được trồng chủ yếu ở xóm Xàm và xóm Vượng, thì khoảng 2 năm gần đây, diện tích hai loài cây này đã được mở rộng ra thêm ở xóm Tân. Hành tăm, tỏi đều là những loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và phù hợp với điều kiện thời tiết ở xã Phú Lai. Tỏi chỉ cần bán được với giá khoảng 10.000 đồng/kg là đã cho hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với lạc. Hành tăm thì có thời gian thu hoạch kéo dài bắt đầu từ cuối tháng 2 âm đến rằm tháng 7, đặc biệt năm 2018 về cuối vụ hành tăm có giá lên tới 95.000 đồng/kg, người trồng hành trúng đậm. Do vậy, năm nay, tuy giá tỏi đang sụt giảm chỉ còn 12 – 15.000 đồng/kg, hành tăm đang "khởi động” ở mức 20 nghìn đồng/kg, nhưng đây vẫn đang là cây trồng mang lại nhiều hi vọng cho người dân xóm Tân.
(HBĐT) - Theo kết quả rà soát, đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta ở mức 14,9%, giảm 9,48% so với đầu năm 2016 (năm đầu triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) giai đoạn 2016 - 2020). Xét về tổng thể, kết quả này đã đạt so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện còn gặp không ít khó khăn, cần sự tập trung cao độ nhằm tạo xung lực tốt thúc đẩy các hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững trong năm 2020.
Sáng 8-5, tại Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng liên doanh các Nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng của Hợp đồng Đầu tư xây dựng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.