Năm 2019, UBND huyện Tân Lạc đăng ký ý tưởng và lựa chọn 3 sản phẩm OCOP gồm: sản phẩm bưởi đỏ Giang Lộc của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc - thị trấn Mường Khến, vùng nguyên liệu hiện có 30 ha, quy mô sản xuất 500.000 sản phẩm/năm. Bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên các loại hóa chất sử dụng đều nằm trong danh mục được phép sử dụng; sản phẩm trà giảo cổ lam Tân Lạc Sơn của HTX Tân Lạc Sơn, xóm Bào, xã Thanh Hối. Sản phẩm được chế biến 100% từ cây giảo cổ lam 5 lá bé là loại đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh tác dụng hỗ trợ chữa bệnh. Trà giảo cổ lam đã được khách hàng nhiều nơi tin dùng và phản hồi tốt về khả năng: hạ huyết áp, hạ đường huyết, hạ mỡ máu, hoạt huyết giúp tỉnh táo ban ngày và ngủ ngon vào ban đêm, vùng nguyên liệu hiện có 30 ha là vùng núi đá thuộc xã Phú Vinh, Phú Cường; sản phẩm rau su su Quyết Chiến của HTX rau an toàn xã Quyết Chiến, rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, quy mô sản xuất 1.000 tấn sản phẩm/năm.
Sản phẩm bưởi đỏ Giang Lộc của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc - thị trấn Mường Khến được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Tất cả các sản phẩm được lựa chọn thực hiện theo Đề án OCOP đều đã có nhãn mác, bao bì. Một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết suất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động. Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Tân Lạc đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2019, huyện tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến; thiết kế nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm.
Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện phấn đấu xây dựng mỗi xã có 1 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm được chọn là đặc sản vùng miền hoặc làng xã, sử dụng nguyên liệu, công nghệ địa phương hoặc do người dân địa phương thực hiện. Để chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, huyện tập trung hỗ trợ phát triển mới các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu về tổ chức, nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại... Với 3 sản phẩm chủ lực được lựa chọn, huyện sẽ dồn lực tập trung, hoàn thiện dần quy trình sản xuất, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đinh Thắng