Chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên Bùi Thanh Bịnh, xóm Mạc, xã Nam Phong. Lập gia đình với đôi bàn tay trắng, con còn nhỏ, tài sản gia đình chưa có gì nhiều ngoài căn nhà tạm và diện tích đất đồi được bố mẹ cho. Anh Bịnh cho biết: Nhờ được các cấp Hội Nông dân quan tâm, giúp đỡ tận tình từ tiếp cận nguồn vốn đến việc đưa hội viên đi thăm quan các mô hình kinh tế cho nhu nhập cao ở các tỉnh lân cận. Tôi có thêm động lực và quyết tâm làm giàu, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mía và cam. Từ thu nhập bấp bênh, đến nay, tôi đã mở rộng quy mô trang trại của mình lên trên 2 ha, thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Nông dân khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc vườn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị thu nhập cao.
Từ sự hỗ trợ, đẩy mạnh công tác dạy nghề của các cấp hội, nhiều hội viên nông dân có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay, được tiếp thu kiến thức, ứng dụng KHKT vào sản xuất để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo vươn lên thành những hộ khá, giàu ở địa phương. Không chỉ anh Bịnh, trên địa bàn huyện Cao Phong ngày càng nhiều những tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trở thành những hộ SX-KD giỏi như hộ ông Quách Hoàng Nam (xã Thu Phong) thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm; hộ ông Đinh Đức Chính (xã Nam Phong) thu nhập 900 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Quang Tâm (thị trấn Cao Phong) thu nhập trên 1,7 tỷ đồng/năm...
Hội Nông dân huyện Cao Phong hiện có tổng số 7.300 hội viên, sinh hoạt tại 13 cơ sở Hội. Xác định hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Hội Nông dân tỉnh, sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện để tổ chức triển khai đến Hội cơ sở và hội viên. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện quản lý cho vay có hiệu quả nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với trên 3,6 tỷ đồng cho 103 hộ hội viên vay vốn. Hội phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện ký kết thỏa thuận liên ngành, đồng thời chỉ đạo các cấp Hội ký kết, tập huấn và thực hiện chương trình vay vốn, kết quả đã củng cố, kiện toàn 108 tổ vay vốn với trên 3.913 lượt hộ vay, tổng dư nợ trên 469 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác trên 68 tỷ đồng, quản lý 46 tổ tiết kiệm với 1.900 thành viên.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, công ty giống gia súc, giống cây trồng, cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân. Hội phối hợp mở 9 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cam sau thu hoạch cho 915 lượt hội viên nông dân. Phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp xanh mở 10 lớp giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV trên cây có múi cho 483 lượt hội viên. Hoạt động phối hợp mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho hội viên được duy trì thường xuyên.
Đồng chí Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong cho biết: Với những kết quả về hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân do các cấp Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức đã tác động tích cực giúp hội viên nông dân chuyển biến nhận thức, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội trong huyện, nhiều hộ hội viên đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ có thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện còn trên 14,6%.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân, trọng tâm là hướng dẫn, tư vấn giúp nông dân nâng cao kiến thức KHKT, công nghệ mới trong sản xuất, kiến thức về kinh tế, thị trường, quản lý kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững, xây dựng huyện NTM.