Các hội viên chi hội phụ nữ khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tham gia mô hình dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam.
Đưa mọi người đi thăm vườn cam đang độ tươi tốt, quả sai chĩu, chị Lâm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cam theo phương pháp hữu cơ: Chỉ với rượu, tỏi, gừng, ớt đem giã, trộn đều và ủ trong khoảng 15 ngày mang ra sử dụng. Cách làm thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này vừa an toàn, tác dụng như thuốc hóa học giúp diệt sâu hại vừa hữu ích cho môi trường và người sử dụng, trong khi chi phí phun thuốc thấp hơn nhiều so với thuốc trừ sâu khác. Bên cạnh phương pháp trồng, chăm sóc khoa học, hiệu quả, sản phẩm cam dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng..., những yếu tố này đã giúp cam của gia đình được khách hàng ưa chuộng, yên tâm lựa chọn, sử dụng trong nhiều năm qua. Trung bình mỗi năm, gia đình chị thu khoảng trên 3 tấn cam. Năm 2018, gia đình chị thu nhập trên 700 triệu đồng.
Cùng với gia đình chị Lâm, gia đình chị Trần Thị Bình, khu 1 cũng là thành viên tích cực trong các hoạt động trồng cam thực hiện ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Bình cho biết: Từ khi tham gia mô hình, không chỉ có được niềm vui, sự chia sẻ hữu ích từ các chị em thành viên mà ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam đảm bảo ATTP của gia đình và các gia đình hội viên khác được nâng cao hơn.
Đồng chí Đinh Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cao Phong cho biết: Gia đình chị Lâm, chị Bình là 2 trong 40 hộ tham gia mô hình điểm của Hội LHPN huyện tại khu I. Mô hình được thực hiện vào đầu tháng 6/2018 với 34 thành viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, mô hình phát triển thêm 6 thành viên. Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn kiến thức KH-KT theo tiêu chuẩn VietGAP; thường xuyên trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm hay và các phương pháp chăm sóc, bón phân, điều trị sâu bệnh cho cây. Đặc biệt, các thành viên luôn chú trọng vệ sinh ATTP từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bán sản phẩm ra thị trường. 100% thành viên đăng ký thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các thành viên vẫn trăn trở việc tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo giá cả và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bởi hiện tại chủ yếu vẫn tự tìm khách hàng, tự bán lẻ, chưa có hệ thống bán hàng theo chuỗi…
Chị Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Cao Phong cho biết: Thực hiện nội dung tiêu chí thi đua năm 2018 của Hội LHPN tỉnh và thực hiện "Năm ATTP” với chủ đề "Phụ nữ Cao Phong thực hiện ATTP”, sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình trồng cây ăn quả tại địa phương, Hội LHPN huyện đã báo cáo cấp ủy, chính quyền để thành lập mô hình điểm "Phụ nữ trồng cây ăn quả thực hiện ATTP gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” tại khu 1, thị trấn Cao Phong. Sau khi mô hình điểm thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tự nguyện tham gia, mô hình đã được nhân rộng, triển khai đến 13/13 xã, thị trấn. Hiện, 4 xã gồm: Thu Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Yên Lập đã thành lập mô hình với gần 100 thành viên. Các mô hình hoạt động tích cực, hiệu quả và thực hiện đúng nội dung, quy định đã cam kết. Đặc biệt, các thành viên của mô hình còn trở thành những tuyên truyền viên nòng cốt tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng chung tay nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất, trồng rau sạch, hoa quả sạch.
Hồng Duyên