(HBĐT) - Năm 2018, tỉnh ta đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 4 bậc so với năm 2017. Chỉ số tiếp cận đất đai là 1/7 chỉ số thành phần tăng điểm. Mặc dù có cải thiện, song doanh nghiệp tiếp cận đất đai vẫn gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong GPMB, tiếp cận đất đai, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.


UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận đất đai triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Ảnh chụp tại khu quy hoạch trung tâm Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).

Những năm qua, điểm số tiếp cận đất đai của tỉnh đều có xu hướng tăng điểm (năm 2017 tăng 0,02 điểm, năm 2018 tăng 0,19 điểm). Tuy nhiên, do các địa phương trong khu vực có điểm số tăng nhanh hơn của tỉnh. Nên khi so sánh với vùng Tây Bắc và Khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh vẫn nằm trong nhóm cuối, vị trí lần lượt là 6/6 và 13/14.

Dù điểm tăng song thứ hạng năm 2018 giảm 2 bậc so với năm 2017 (năm 2017 đứng ở vị trí thứ 56, năm 2018 vị trí thứ 58); điểm số thấp hơn 0,77 điểm so với trung vị cả nước, kém địa phương dẫn đầu là tỉnh Đồng Tháp 1,97 điểm. Thông qua khảo sát chỉ số PCI cho thấy: Số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch vẫn ở mức cao (33%), tăng 9% so với đánh giá của năm 2017; 27% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện giải phóng mặt bằng chậm và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Việc cung cấp thông tin về đất đai chưa thuận lợi, nhanh chóng là 38% (trung vị là 31%, địa phương thấp nhất là 19%). Tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai là 63%, cao gấp đôi so với trung vị cả nước (cả nước là 31%), tăng so với năm 2017 (năm 2017 là 48%).

Các doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối khó khăn. Còn nhiều doanh nghiệp bị gây khó khăn làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang hoạt động gặp nhiều khó khăn về chi trả tiền thuê đất. Công tác thỏa thuận, đền bù GPMB rất khó khăn và mất nhiều thời gian do chính quyền địa phương chưa quyết liệt giải quyết. Một số nhà đầu tư có năng lực muốn sử dụng đất ở những địa điểm phù hợp để kinh doanh, nhưng nhiều đơn vị được giao đất lại không sử dụng, đặc biệt là những vị trí có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 2/1/2019 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2019 và định hướng đến năm 2021, thực hiện rà soát các chỉ số PCI thành phần còn yếu kém để có các giải pháp cụ thể chỉ đạo quyết liệt.

Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu chủ trì thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai. Trong đó, thực hiện giải pháp cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cấp GCNSDĐ, nhu cầu sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các dự án theo hướng các thủ tục phải đơn giản, nhanh gọn. Rà soát, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện các cơ sở, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, đề xuất cơ chế, chính sách tạo quỹ đất sạch, đặc biệt là đất các KCN, CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho SX-KD. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạo nguồn quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm đưa dự án vào hoạt động; tiếp tục công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tháo gỡ đối với các dự án đề xuất đầu tư nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, điều kiện thẩm định chủ trương đầu tư là phải có kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, để được thẩm định nhu cầu sử dụng đất thì dự án cần nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mâu thuẫn này cần sớm được giải quyết, giúp đẩy nhanh quá trình thủ tục cấp quyết định chủ trương, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh.

UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, tăng cường đối thoại mở với doanh nghiệp theo hình thức chuyên đề, thiết thực và giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; duy trì đường dây nóng kịp thời cập nhật và xử lý kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp và người dân; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm công vụ, gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và người dân.

L.C

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đã xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi

(HBĐT) - Sáng 24/5, Đoàn công tác Sở NN & PTNT đã kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình và đôn đốc công tác phòng - chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn TP Hòa Bình.

Hội nghị đầu bờ giống lúa mới Đông A1 và Phúc Thái 168 vụ Xuân 2019

(HBĐT) - Sáng 23/5, tại UBND xã Hạ Bì, Trạm KN-KL huyện Kim Bôi và Công ty CP tập đoàn Thái Bình Seed  đã tổ chức hội nghị đầu bờ giống lúa mới Đông A1 và Phúc Thái 168 vụ Xuân 2019. 

Sự bùng nổ của các dự án điện Mặt Trời và những vấn đề đặt ra

Sự phát triển bùng nổ của các dự án điện Mặt Trời đặt ra nhiều vấn đề liên quan việc giá điện và vấn đề giải tỏa công suất và ô nhiễm từ các tấm pin Mặt Trời sau hết hạn sử dụng.

Thị trường bất động sản thành phố Hòa Bình dồi dào nguồn cung 

(HBĐT) - Khu vực bờ trái TP Hoà Bình sau thời kỳ khan hiếm đất nền, mấy năm gần đây đã khá dồi dào nguồn cung trở lại. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dồn lực đầu tư xây dựng các khu dân cư, tạo cho bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến, người dân và nhà đầu tư có điều kiện lựa chọn hơn.

Agribank triển khai chương trình khuyến mại “Kiều hối Agribank, tích điểm, nhận quà”

(HBĐT) - Để thu hút khách hàng nhận tiền Western Union và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ Western Union qua hệ thống Agribank, Agribank chính thức triển khai chương trình khuyến mại "Kiều hối Agribank, Tích điểm – Đổi quà” dành cho các khách hàng cá nhân nhận tiền và chuyển tiền kiều hối tại Agribank từ ngày 1/1 - 31/12/2019.

Huyện Yên Thủy dành nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy có 13 xã, thị trấn với 155 xóm, khu phố, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 3 xã thuộc khu vực II và 4 xóm ĐBKK thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Toàn huyện có 9.889 hộ dân tộc thiểu số (DTTS), trên 46.280 khẩu, chiếm 68,6% dân số toàn huyện. Riêng dân tộc Mường chiếm 68,2%, còn lại là các dân tộc Thái, Tày, Hoa, Nùng và một số ít các dân tộc khác. Với đặc điểm này, nên công tác dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nhất là việc ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ĐBKK, giúp bà con có cơ hội phát triển, rút ngắn khoảng cách với vùng thuận lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục