Sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH MTV Sông Bôi tại thôn A1, xã Cố Nghĩa là sản phẩm OCOP của huyện Lạc Thủy đã thực hiện đăng ký mã số, mã vạch.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế HTX. Qua rà soát, trên địa bàn huyện Lạc Thủy hiện có khoảng 15 sản phẩm chủ lực, tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm, gồm: chè sông Bôi, cam Lạc Thủy, mật ong Lạc Thủy, thịt gà, trứng gà Lạc Thủy, thịt dê núi, na Đồng Tâm, dưa kim hoàng hậu, dưa chuột VietGAP, giò gia truyền; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm sản phẩm thảo dược; nhóm sản phẩm vải và may mặc; nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí gồm các sản phẩm từ chế tác đá cảnh của làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP.
Thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2019-2010, huyện Lạc Thủy đăng ký 4 sản phẩm tham gia OCOP năm 2019, chủ yếu ở nhóm sản phẩm thực phẩm, gồm: sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH MTV Sông Bôi tại thôn A1, xã Cố Nghĩa; sản phẩm cam Lạc Thủy của 4 hộ: Phạm Thị Lan, thôn Tân Phú, xã Phú Thành; Ngô Đình Khởi, thôn Liên Phú 1, xã An Lạc; Bùi Văn Chung, thôn Đồng Thung, xã Cố Nghĩa; Vũ Duy Tân, thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa; sản phẩm gà Lạc Thủy của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, thôn An Sơn 1, xã An Bình; sản phẩm kim chi măng của Công ty cổ phần nông lâm sản Kim Bôi, thôn Vai, xã Thanh Nông. Trong đó, sản phẩm chè Sông Bôi và sản phẩm kim chi măng đã thực hiện đăng ký mã số, mã vạch; sản phẩm cam và gà đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Với mục tiêu thực hiện thành công từ 10 sản phẩm hiện có, 2 làng văn hóa du lịch trở lên có trên địa bàn huyện; tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Hiện nay, huyện Lạc Thủy đang kiện toàn hệ thống điều hành thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã; thành lập tổ chuyên trách về lĩnh vực OCOP cấp huyện và phân công cán bộ phụ trách chương trình nông thôn mới của xã kiêm nhiệm phụ trách Chương trình OCOP. Theo đó, sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cấp huyện, cấp xã, các doanh nghiệp, HTX về nghiệp vụ quản lý điều hành Chương trình OCOP, kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh. Củng cố, kiện toàn 6 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, gồm 1 hộ cá thể, 1 doanh nghiệp và 4 HTX. Đồng thời, triển khai quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện tại cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn của huyện, mở rộng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện tại các nơi có điều kiện tốt về giao thương và du lịch như: khu du lịch tâm linh xã Phú Lão, khu di tích Nhà máy in tiền xã Cố Nghĩa, xã Phú Thành và xúc tiến thương mại ngoài huyện.
Đinh Thắng