Nhằm thể chế hóa và đưa nghị quyết vào thực tiễn, trong 5 năm (2014 – 2018), tỉnh ta đã ban hành 1 thỏa thuận hợp tác, 17 quyết định, 5 kế hoạch về hợp tác, ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực, đặc biệt quan tâm trong hoạt động cải cách hành chính (CCHC) thông qua xử lý văn bản, tài liệu trên môi trường điện tử; sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu hỗ trợ trong xử lý công việc. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hoàn thiện, bổ sung và hướng dẫn thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn; hệ thống chỉ tiêu đánh giá; hoàn thiện cơ chế tài chính và đầu tư. Đặc biệt, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và phát triển thị trường, tỉnh đã có Quyết định về việc quy định chính sách hỗ trợ DN phát triển KH&CN; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp website cho 30 DN. Đến nay, đã có 70% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động SX-KD; trên 30% DN có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên hoặc định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; trên 30% DN tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động SX-KD…
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm thực hiện 3 đột phá chiến lược, tỉnh ta luôn quan tâm triển khai ứng dụng CNTT để đẩy mạnh thực hiện CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, phần mềm văn phòng điện tử đã được triển khai tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và được kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản 4 cấp, tạo bước tiến trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giấy tờ.
Phần mềm một cửa điện tử được triển khai ứng dụng từ tháng 8/2017 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã kết nối đến 100%sở, ban, ngành với bộ phận dịch vụ công của UBND các huyện, thành phố và 210 xã, phường, thị trấn phục vụ việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, công dân nhanh chóng, thuận tiện, thúc đẩy CCHC, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.Các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản như: phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính - kế toán, quản lý tài sản cố định được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai sử dụng, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư và huy động từ nhiều nguồn để mua sắm, trang bị hạ tầng kỹ thuật CNTT. Đặc biệt, mạng truyền dẫn được quang hóa đến 100% xã, phường, thị trấn. Các cơ sở có cáp quang đến trung tâm và internet băng thông rộng. Hiện, 209/210 xã, phường, thị trấn có trạm thu phát sóng thông tin di động; có 582.644 thuê bao di động ổn định; 49.686 thuê bao internet băng thông rộng; 100% xã có điện thoại và thu được sóng PT-TH của T.Ư, địa phương…
Ngoài ra, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo ứng dụng CNTT trong các tổ chức, DN; phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực về lĩnh vực này. Đồng thời, đặc biệt coi trọng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. UBND tỉnh đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp; phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của tỉnh để đưa ra các biện pháp triển khai nhằm đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống. Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn đã triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động. Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử đã góp phần nâng cao công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Từ việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, DN đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ, CC, VC, người lao động trong tỉnh từng bước tiếp cận, nắm bắt cơ hội, tận dụng các lợi thế cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.