(HBĐT) - Đến cuối tháng 5, cánh đồng lúa của xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi) đã khoác lên mình chiếc áo màu vàng ruộm đặc trưng của lúa chín được mùa. Những bông lúa nặng trĩu hạt, căng tròn và tỏa hương thơm dìu dịu khiến lòng người phơi phới niềm vui. Có lẽ vui nhất là 26 hộ tham gia mô hình thâm canh giống lúa mới Đông A1 và Phúc Thái 168 - hai giống lúa lần đầu tiên được đưa vào đồng ruộng nơi đây nhưng đã cho năng suất cao, chất lượng tốt và thể hiện những ưu điểm đầy tính thuyết phục.


Nông dân xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi) thu hoạch lúa vụ xuân, năng suất bình quân đạt gần 60 tạ/ha.

Là đơn vị phối hợp triển khai mô hình trên địa bàn huyện Kim Bôi, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm (KNKL) huyện vừa tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả thâm canh hai giống lúa Đông A1 và Phúc Thái 168. Đồng chí Bùi Thị Hương, Phó trưởng Trạm KNKL huyện cho biết: Đây là hai giống lúa mới nên cán bộ chỉ đạo kỹ thuật cũng như các hộ nông dân tham gia mô hình chưa có kinh nghiệm sản xuất. Hơn nữa, thời tiết trong vụ xuân có một số diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ví dụ giai đoạn đẻ nhánh thì thời tiết mưa ít, giai đoạn trỗ thì lại gặp thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn… Trong điều kiện canh tác không thuận lợi, cả hai giống lúa đều cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu nhiều, thời gian trỗ tập trung, khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu điều kiện tự nhiên tốt. Kết quả cuối cùng đều cho năng suất cao và chất lượng gạo ngon. Chính vì thế, Trạm KNKL đề nghị tiếp tục đưa hai giống lúa vào sản xuất. Riêng giống Đông A1 đề nghị UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện quan tâm nghiên cứu, bổ sung vào cơ cấu giống ở vụ mùa 2019 và những năm tiếp theo.

Được biết, những năm gần đây, huyện Kim Bôi đã đưa nhiều bộ giống lúa mới vào sản xuất, trong đó có những giống thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được lựa chọn phù hợp với từng vùng đất nên góp phần nâng cao hiệu quả canh tác tại địa phương. Trong vụ xuân năm nay, tổng diện tích gieo cấy lúa của toàn huyện khoảng 2.427 ha, năng suất bình quân đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng đạt trên 14.202 tấn. Đây là mức năng suất cao hơn bình quân chung của toàn tỉnh, ghi nhận thành quả xứng đáng của huyện trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, hướng tới những giá trị cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Trên phạm vi toàn tỉnh, đến thời điểm này, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến giữa tháng 6 sẽ hoàn tất thu hoạch vụ xuân 2019. Trong vụ này, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt khoảng 67 nghìn ha, vượt 1,3% kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt đạt khoảng 34,6 nghìn ha, gồm 16 nghìn ha lúa (vượt 4,9% kế hoạch), 18,6 nghìn ha ngô (đạt 100% kế hoạch).

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Vụ xuân năm nay, các địa phương đã tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, nên các loại cây được đảm bảo tốt khung thời vụ, tiến độ gieo cấy lúa và trồng màu đều nhanh hơn so với cùng kỳ, theo đó thời gian thu hoạch cũng sớm hơn so với cùng kỳ 7 - 10 ngày. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh nên nhìn chung, các loại cây đều đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt. Cụ thể: Năng suất bình quân của cây lúa đạt 57,83 tạ/ha, sản lượng 9,2 vạn tấn, vượt 9,1% kế hoạch. Năng suất ngô đạt khoảng 44,5 tạ/ha, sản lượng 8,3 vạn tấn, vượt 2% kế hoạch. Như vậy, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt khoảng 17,5 vạn tấn, vượt 5,6% kế hoạch.

Cùng với cây lương thực có hạt, các loại cây hàng năm khác cũng đang vào chính vụ thu hoạch. Một vụ thu hoạch đang làm nức lòng người nông dân trong tỉnh. Bởi, theo ghi nhận từ Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố: Các loại cây trồng vụ xuân đều cho năng suất cao, chất lượng tốt. Trong đó, các loại cây chủ lực như lạc, đậu tương, bí xanh, dưa hấu, khoai lang, rau đậu thực phẩm… vừa được mùa, vừa được giá, mang tới lợi nhuận cao cho nhiều hộ nông dân. Đến thời điểm này, các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Kim Bôi và TP Hòa Bình đang có tiến độ thu hoạch nhanh nhất. Trong khi mùa mưa bão đang kéo về những trận mưa giông đầu tiên, đây là thời điểm nông dân cần khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn để bảo toàn thành quả sản xuất trước các yếu tố khách quan. Khi đã thu hoạch xong, cần khẩn trương làm đất ngay, chuẩn bị sẵn sàng các loại giống và vật tư, có như vậy mới đảm bảo được kế hoạch sản xuất vụ hè thu và vụ mùa sắp tới.

Được biết, theo lịch thời vụ, trà lúa mùa sớm (chiếm khoảng 15 - 20% diện tích) sẽ gieo mạ từ ngày 1 - 10/6, cấy xong trước ngày 25/6; trà lúa mùa chính vụ (khoảng 80 - 85% diện tích) gieo mạ từ ngày 10/6 - 5/7, phấn đấu cấy tập trung từ ngày 10 - 20/7. Thời vụ gieo trồng tốt nhất đối với các loại cây màu vụ hè thu được ngành NN&PTNT khuyến cáo bắt đầu từ giữa tháng 6 kéo dài đến hết tháng 7/2019.

Thu Trang

Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục