(HBĐT) - Cho đến thời điểm này, tỉnh ta đã qua gần 3 tháng tập trung chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với 2 đợt dịch. Vấn đề kiểm soát DTLCP đang theo chiều hướng ngày càng khó kiểm soát hơn. Lo ngại không bao lâu nữa, diễn biến dịch lan ra ở cả 11/11 huyện, thành phố.


Lực lượng chức năng làm công tác cân trọng lượng đàn lợn bệnh để hỗ trợ hộ chăn nuôi đảm bảo đúng, đủ tại xã Thanh Lương (Lương Sơn).

Nguy cơ xuất hiện DTLCP là... khôn lường

Tính đến cuối tháng 5, DTLCP đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố lân cận với các huyện, thành phố thuộc tỉnh ta, bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa... Với nguy cơ thường trực này, các địa bàn giáp ranh của tỉnh bị mắc kẹt, khó tránh khỏi bao vây, xâm nhiễm bởi DTLCP đang hoành hành.

Qua xác định nguyên nhân của việc lây lan dịch tại ổ dịch DTLCP xã Cao Thắng (Lương Sơn) xuất phát từ việc hộ chăn nuôi đi mua tinh lợn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mang dịch về. Mặt khác, nguồn lây của bệnh DTLCP vô cùng đa dạng.

Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, một khi các địa phương giáp ranh đã xuất hiện DTLCP thì nguy cơ lây lan không tránh khỏi. Kể cả các loại phương tiện từ vùng dịch dù có được phun tiêu độc khử trùng qua chốt kiểm dịch động vật đi nữa cũng không kín được, thêm vào đó là yếu tố con người di chuyển từ vùng này sang vùng khác.

Đáng chú ý, một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến xuất hiện ổ dịch DTLCP tại các huyện, thành phố trong tỉnh thời gian gần đây bắt nguồn từ nguồn nước rác, thức ăn thừa. Điển hình là ổ dịch tại thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn), chủ nhà lấy nước rác, thức ăn thừa ở một bếp ăn tập thể thuộc Khu Công nghiệp Lương Sơn mang cho lợn ăn dẫn đến lợn mắc DTLCP. Tại ổ dịch xóm Húng, xã Yên Phú (Lạc Sơn), hộ chăn nuôi đồng thời là chủ quán ăn. Nguồn nước rác, thức ăn thừa được hộ tận dụng nấu lại cho đàn lợn. Tại ổ dịch khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), hộ chăn nuôi có đàn lợn mắc bệnh DTLCP cũng cho sử dụng nguồn nước rác làm thức ăn cho lợn.

Nguồn lực tài chính cho công tác chống DTLCP hạn hẹp

Ròng rã mấy tháng qua, cùng với nguồn hỗ trợ thêm từ tỉnh, huyện Lương Sơn đã trích nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng trong ngân sách dự phòng địa phương để đảm bảo phục vụ công tác chống DTLCP. Tuy nhiên, đây chỉ là địa phương hiếm hoi dành nguồn lực khá cho chống dịch. Trong khi đó, ở một số địa phương có dịch khác mặc dù rất lo thực hiện chống dịch nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Với huyện Lạc Sơn sau khi xuất hiện DTLCP đã trích nguồn dự phòng trên 100 triệu đồng. TP Hòa Bình khi phát hiện DTLCP xảy ra mới cuống cuồng lo cấp hóa chất, vôi bột.

Về phía tỉnh, nguồn kinh phí chi trả phục vụ công tác chống DTLCP càng chậm trễ và hạn hẹp hơn. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tại thời điểm DTLCP xuất hiện đợt 1, đơn vị đã làm tờ trình xin cấp 980 triệu đồng mua vật tư, trang thiết bị, quần áo bảo hộ, chi trả con người, lực lượng trực chốt, tiêu hủy lợn bệnh... Tuy nhiên, nguồn kinh phí được duyệt ở đợt 1 chỉ được 93 triệu đồng, tức là chưa đến 10% nhu cầu thực tế. Chỉ tính riêng việc đi lại, di chuyển của lực lượng chống dịch cấp tỉnh đến nay đã tiêu tốn trên 1.200 lít xăng đến nay chưa được chi trả. Mỗi ngày, lực lượng này cũng cần có 50 bộ quần áo bảo hộ vào vùng dịch và triển khai lấy mẫu máu, bệnh phẩm để xét nghiệm.

Sự chậm trễ và hạn hẹp về nguồn kinh phí của tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp, không đảm bảo tính cấp bách, kịp thời của công tác chống DTLCP. Đơn cử phía tỉnh do chưa được cấp kinh phí nên mới mua được 1 máy sốc điện chống dịch trong khi để đáp ứng tình hình dịch phát sinh như hiện nay cần phải có khoảng 5 - 6 máy. Mặt khác, đối với công tác hỗ trợ người dân có đàn lợn buộc phải tiêu hủy ở đợt 1 đã thực hiện xong. Tuy nhiên, kể từ đợt 2 đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Lực lượng chức năng vẫn đang tập trung tiêu hủy lợn bệnh. Sở Tài chính hiện chưa có văn bản trả lời về việc định giá hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước đối với các hộ nuôi bị DTLCP.

Việc khống chế, kiểm soát DTLCP của tỉnh đang gặp khó. Bên cạnh nguyên nhân bị kẹt giữa các vùng dịch lân cận và một số huyện, thành phố của tỉnh đã xuất hiện dịch thì vấn đề kinh phí, vật tư chống dịch chưa được đảm bảo và kịp thời, nhận thức và hành vi kiểm soát nguồn lây của hộ chăn nuôi, người dân chưa đầy đủ đã ảnh hưởng, tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác chống DTLCP. Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT khuyến cáo để hạn chế nguy cơ DTLCP xâm nhiễm, hộ chăn nuôi thực hiện tốt giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại và tuyệt đối không sử dụng nước rác, thức ăn thừa cho lợn ăn, hạn chế những người không phận sự vào khu vực chăn nuôi.

DTLCP hiện đã xuất hiện ở 18 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy 560 con với trọng lượng 31.072,5 kg. Cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục lấy mẫu để giám sát và xét nghiệm đối với các hộ có lợn ốm, nghi mắc bệnh DTLCP ở cả 11 huyện, thành phố. Lưu ý ở các tỉnh bạn, DTLCP đã vào các trang trại lớn. Trên địa bàn tỉnh ta có một số trại lợn của CP, Japfa Comfeed Việt Nam, Dabaco đang nằm trong vùng có dịch nên nguy cơ lây dịch rất cao. Chưa tính đến thiệt hại, chỉ riêng vấn đề kinh phí để tiêu hủy đàn lợn nếu vào các trang trại lớn với số lượng hàng nghìn con đã là bài toán nan giải.


Bùi Minh

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục