(HBĐT) - Với nhiều tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, chống oxy hóa, phong tê thấp, xương khớp..., cây cà gai leo được người dân xã Đa Phúc (Yên Thủy) trồng nhiều năm nay như một vị thuốc quý, đồng thời cũng là nguồn thu nhập của nhiều gia đình. Tiếp tục khẳng định là sản phẩm uy tín trên thị trường, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích trồng cà gai leo, áp dụng KH-KT, xây dựng cơ sở chế biến nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho sản phẩm.


Người dân xóm Pơng, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đầu tư trồng cà gai leo đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại, người dân 15/15 xóm của xã đều trồng cà gai leo với tổng diện tích 110,8 ha, tăng 7,3 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Tận dụng khả năng chịu hạn của cây, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, người dân đã chuyển các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà gai leo, mở rộng diện tích nhằm tạo thêm nguồn thu nhập từ các sản phẩm chế biến từ cà gai leo.

Đồng chí Bùi Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: "Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, những năm qua, xã đã triển khai mở rộng diện tích trồng cà gai leo, đưa KH-KT vào sản xuất, chế biến sản phẩm theo mô hình khép kín. Cà gai leo được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích canh tác, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương".

Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 80% hộ trồng cà gai leo, hộ trồng nhiều từ 2.000 - 3.000 m2, hộ trồng ít vài trăm m2. Thời gian thu hoạch cà gai leo ngắn, 4 tháng cho thu 1 lần. Rễ, thân, lá cà gai leo đều có thể làm thuốc, sau khi thu hoạch phơi khô rồi chế biến thành phẩm. Trung bình mỗi vụ, cứ 1.000 m2 cho thu 200 kg sản phẩm khô. Trước đây, sau khi thu hoạch, các hộ đều bán thô cho tiểu thương, cơ sở đông y với giá thấp, lợi nhuận không cao. Từ đầu năm 2018, được chính quyền xã và các tổ chức tín dụng hỗ trợ dây chuyền sản xuất cà gai leo thành dạng túi lọc, đóng hộp đã đem đến tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, xã tổ chức lớp tập huấn trồng, chế biến cà gai leo theo công nghệ sạch, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất cà gai leo tại xóm Pơng và xóm Ráng, sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại, đưa ra thị trường các sản phẩm uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Bùi Văn Chung, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà gai leo xóm Pơng cho biết: "Dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 với mục đích nâng cao lợi nhuận từ sản phẩm cà gai leo. Hiện, tổ hợp tác đang sản xuất trà cà gai leo dạng túi lọc đóng hộp lớn, nhỏ với giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/hộp. Sản phẩm cà gai leo đóng hộp của tổ hợp tác đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mã vạch và dán tem bảo đảm, do đó, khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh".

Theo y học, cà gai leo có tác dụng giải độc gan, ngăn chặn quá trình xơ gan, chữa đau lưng, xương khớp và viêm nhiễm. Do đó, sản phẩm từ cây cà gai leo được thị trường đón nhận, đầu ra tương đối ổn định, thường được bán cho các cơ sở đông y, dược phẩm thu mua. Mang giá trị cao gấp nhiều loại cây trồng khác, cà gai leo đã mang đến hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của xã. Quan trọng hơn, việc lựa chọn canh tác cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương cho thấy tư duy, nhận thức của bà con có sự chuyển biến, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ngày càng được nâng lên. Năm 2018, thu nhập bình quân của xã đạt 17,2 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 28,18%, giảm 3,46% so với năm 2017.

Hoàng Anh

Các tin khác


Huyện Lương Sơn tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm

(HBĐT) - Với vị trí giao thông thuận lợi, điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng với nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống, huyện Lương Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lương Sơn quan tâm chỉ đạo thực hiện phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng sản xuất các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của huyện.

Quyết tâm chậm nhất đến cuối tháng 6/2019 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng

(HBĐT) - Ngày 4/6, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư hồ chứa nước Cánh Tạng nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ Dự án.

Kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ tại 2 huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 3/6, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất và công tác phòng - chống cháy nổ (PCCN) tại huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn.

Huyện Lạc Thủy nâng cao hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thủy đã vận động nhiều nguồn lực đầu tư thực hiện tốt công tác quy hoạch dồn điền, đổi thửa (DĐ,ĐT), xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Năm 2012, huyện thực hiện thí điểm thành công DĐ,ĐT tại 4/5 thôn của xã Lạc Long với diện tích 86,4 ha, gồm 305 hộ tham gia.

Giảm chi phí không chính thức, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019

(HBĐT) - Lâu nay, các doanh nghiệp bức xúc cho rằng: Việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp và chồng chéo, cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp, làm tăng chi phí không chính thức, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh đang rốt ráo chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí không chính thức, xử lý nghiêm hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu của CB, CC, VC đối với hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Cần giải quyết sớm khoản vay hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Cho đến thời điểm này, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã triển khai được hơn 10 năm, nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam -VIDIFI) vẫn chưa được thực hiện, có nguy cơ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính dự án, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục