Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Trại Hòa, xã Cư Yên (Lương Sơn) chăm sóc vườn rau hữu cơ.
Năm 2019, huyện Lương Sơn đăng ký 8 sản phẩm thuộc 4 nhóm loại sản phẩm tham gia OCOP. Cụ thể: nhóm thực phẩm có 4 sản phẩm gồm: thịt gà thả vườn Thuận Phát của HTX Thuận Phát ở xã Thành Lập; sản phẩm mật ong của tổ hợp tác nuôi ong xã Lâm Sơn; sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ Lương Sơn của HTX Nông sản hữu cơ Đồng Sương, xã Thành Lập và HTX Nông nghiệp hữu cơ Trại Hòa, xã Cư Yên; sản phẩm dê núi Lương Sơn của HTX dê núi xã Long Sơn. Nhóm đồ uống có 1 sản phẩm rượu Nhân Hồ của cơ sở sản xuất rượu Nhân Hồ, xã Cư Yên. Sản phẩm dược liệu có 1 sản phẩm cao xạ đen của tổ hợp tác cây dược liệu Đồng Phú, xã Cao Dương. Nhóm lưu niệm, nội thất - trang trí có 2 sản phẩm, gồm: sản phẩm giấy dó Suối Cỏ của hộ ông Nguyễn Văn Chúc, xã Hợp Hòa; sản phẩm gỗ lũa của làng nghề gỗ lũa xã Lâm Sơn. Tất cả sản phẩm đều đã có nhãn mác, bao bì, một số sản phẩm có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết xuất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động. Để có thể phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường, huyện Lương Sơn hiện tập trung hỗ trợ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm; đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn mác, bao bì…
Qua tìm hiểu được biết, các sản phẩm OCOP của huyện Lương Sơn tạo được dư luận tốt trong nhân dân và bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường. Thông qua chương trình này, huyện đã thành lập mới được nhiều doanh nghiệp, HTX kiểu mới; đầu tư xây dựng được nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm, sản xuất các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao...
Tiêu biểu cho sản phẩm OCOP của huyện Lương Sơn phải kể đến sản phẩm rau hữu cơ. Sau hơn 10 năm phát triển, nhãn hiệu rau quả hữu cơ Lương Sơn đã thân thuộc với người tiêu dùng Hòa Bình, Hà Nội. Với hơn 22 ha sản xuất, sản lượng hơn 200 tấn rau, quả mỗi năm, Lương Sơn trở thành địa phương có diện tích rau hữu cơ lớn nhất tỉnh. Phần lớn rau, quả hữu cơ Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt, doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất rau hữu cơ không chỉ khai thác, tận dụng được những tiềm năng sẵn có, việc đẩy mạnh sản xuất nông sản hữu cơ còn có ý nghĩa lớn trong nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng bảo đảm.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP, thời gian tới, huyện Lương Sơn nâng cao công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện chương trình. Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP và dịch vụ hiện có theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, định hướng phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của huyện.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Ngày 01/06/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (01/06/1989 – 01/06/2019).
Giá vàng trong nước tuần qua liên tục diễn biến đi ngang và giảm ở các phiên đầu và giữa tuần.