Từ nguồn vốn vay, gia đình bà Bùi Thị Lý, xóm Đảy, xã Yên Lập (Cao Phong) đầu tư buôn bán nhỏ nâng cao thu nhập.
Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn của chương trình, nhiều hộ dân vùng khó khăn đã đầu tư phát triển SXKD hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập. Bà Bùi Thị Lý ở xóm Đảy, xã Yên Lập (Cao Phong) cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có đất rộng nhưng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2016, được tiếp cận và được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay vốn hộ SXKD của Ngân hàng CSXH. Từ số tiền đó, gia đình tôi đầu tư trồng cam và kinh doanh buôn bán nhỏ phục vụ bà con trong xóm, xã.
Gia đình bà Lý chỉ là một trong hàng nghìn khách hàng sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả và đúng mục đích. Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Khi mới triển khai chương trình, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Toàn tỉnh có 142/191 xã được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay đối với hộ SXKD vùng khó khăn. Nhiều năm qua, chương trình này thực sự là động lực giúp các hộ dân vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển SXKD, nâng cao thu nhập. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hàng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo phòng giao dịch các huyện giao chỉ tiêu đến các xã, thôn; phối kết hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Nhờ làm tốt công tác giải ngân nguồn vốn chương trình kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn, trong 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay của chương trình đạt trên 100 tỷ đồng. Đưa tổng dư nợ chương trình đạt gần 500 tỷ đồng với 17.981 khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình có dư nợ lớn thứ 3 sau chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo. Qua kiểm tra hàng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chăn nuôi, trồng rừng, SXKD… có hiệu quả.
Hiện nay, mức vốn cho vay tối đa đối với một hộ SXKD là 50 triệu đồng, trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay có thể trên 50 triệu đồng, nhưng không quá 100 triệu đồng. Việc Chính phủ nâng mức cho vay đã mở ra cơ hội, tạo động lực giúp nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn SXKD, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ SXKD tại vùng khó khăn, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ T.Ư, địa phương để đáp ứng đầy đủ, đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn SXKD. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thuộc diện được vay vốn phát triển sản xuất. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền; triển khai các hoạt động cho vay và thu hồi nợ, lãi đúng quy định; hướng dẫn người vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đặc biệt là mang đến cơ hội để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Đinh Thắng
Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) tính toán tổng vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ khoảng 26 tỉ USD, giảm hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).