Nông dân xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) tập trung thu hoạch lúa mùa để giải phóng đất cho sản xuất vụ sau.
Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm trên những chân ruộng chủ động nước tưới. Hiện, trà sớm và chính vụ đã thu hoạch. Một số diện tích đất lúa được khẩn trương làm đất để trồng cây vụ đông. Dự kiến đến hết ngày 20/10, các địa phương cơ bản thu hoạch xong.
Mặc dù triển khai gieo cấy vụ mùa muộn hơn so với một số nơi, song nông dân xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) cho biết không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Năm nay, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, ít mưa hơn so với nhiều năm; gần đến kỳ thu hoạch có đợt mưa to khiến một số diện tích lúa bị đổ rạp. Cũng có diện tích đã xuất hiện sâu bệnh, chuột phá hoại. Tuy nhiên, bà con cho rằng, nhờ trình độ thâm canh, kinh nghiệm sản xuất và nhất là được kịp thời tuyên truyền, nắm bắt các văn bản chỉ đạo về gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa; phòng trừ bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy hại lúa và các biện pháp phòng trừ chuột phá hoại mùa màng… nên nhìn chung, sản xuất vụ mùa đã thắng lợi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, giai đoạn đầu vụ mùa năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy sớm hơn cùng kỳ hàng năm từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, giai đoạn cuối vụ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4, trong tỉnh có mưa to đến rất to, gây vùi lấp và ngập úng cục bộ một số diện tích lúa, hoa màu tại các địa phương. Theo đó, tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên 640 ha; diện tích hoa màu thiệt hại trên 360 ha.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ; tăng cường hướng dẫn các địa phương biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chủ động dự báo tình hình sâu bệnh hại cũng như kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất nhằm hạn chế thấp nhất tác động bất thuận của thời tiết, sâu bệnh gây ra.
Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo việc điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Công tác chỉ đạo tích nước ở các hồ, đập và tu sửa kênh mương nội đồng được các địa phương chú trọng ngay từ đầu vụ nên tình trạng thiếu nước đối với cây lúa không đáng kể. Một số diện tích không cấy được lúa, bà con chủ động chuyển sang trồng cây mầu ngắn ngày. Theo đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 1.440 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Diện tích chuyển đổi sang trồng ngô trên 560 ha; rau các loại khoảng 304 ha; lạc, khoai lang gần 139 ha; mía 325 ha…
Qua đánh giá sơ bộ, nhờ chủ động các biện pháp sản xuất vụ mùa, vụ hè thu nên năng suất, sản lượng lương thực cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, năng suất bình quân lúa vụ mùa ước đạt 53 tạ/ha, sản lượng đạt 118,9 nghìn tấn; năng suất ngô ước đạt 43,67 tạ/ha, sản lượng đạt 51,82 nghìn tấn; năng suất cây rau các loại ước đạt 148,72 tạ/ha, sản lượng 60.845 tấn…
Hiện, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa và các cây màu vụ hè thu, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó. Theo dõi thời tiết trong thời gian tới, nắm bắt chắc chắn cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng cây vụ đông; bố trí rải vụ rau xanh hợp lý để tránh dư thừa khi lượng cung quá nhiều. Đối với những diện tích đã gặt không trồng cây vụ đông cần cày vùi gốc rạ, không để lúa chét tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước để cắt nguồn bệnh virus lùn sọc đen. Chuẩn bị tốt lượng phân hữu cơ (phân chuồng, phân ủ, phân xanh) phục vụ sản xuất vụ đông. Hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ, cần sử dụng làm chất độn chuồng, phân ủ hay vùi xuống ruộng để trả lại dinh dưỡng cho đất.
Thu Hiền