(HBĐT) - Thực hiện ý kiến của Bộ GTVT về việc chấp thuận phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí của Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 6862, ngày 16/10/2019 về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí này; thời gian thực hiện từ 0h00 ngày 1/11/2019.



Thời gian qua, các phương tiện đi qua trạm thu phí đường Hòa Lạc - Hòa Bình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về mua vé sử dụng dịch vụ đường bộ.

Theo đó, phạm vi giảm giá khu vực lân cận trạm thu phí có bán kính tối đa 5 km (ưu tiên tính đến địa giới hành chính và hết địa bàn ảnh hưởng phạm vi thôn hoặc xóm). Cụ thể, trạm thu phí km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình bao gồm các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Phú Minh, Hợp Thành; các xóm Ba, Bãi Sấu, Vành, Suối Ngành, Gò Dội thuộc xã Mông Hóa; các xóm Đồng Giang, Ao Trạch thuộc xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). Trạm thu phí km42+730 quốc lộ 6 bao gồm: thị trấn Lương Sơn, các xã Lâm Sơn, Trường Sơn, Tân Vinh (Lương Sơn).

 Đối tượng giảm giá là các phương tiện thuộc chủ sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật tại khu vực thuộc phạm vi được giảm giá. Giảm 100% đối với xe buýt vận tải hành khách công cộng, phương tiện của người dân không sử dụng để kinh doanh, xe của cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị LLVT và kiểm lâm có trụ sở trong phạm vi được giảm giá. Giảm 70% đối với các phương tiện còn lại trong phạm vi được giảm giá.

Như vậy, từ ngày 1/11/2019, đối với xe kinh doanh trong bán kính 5 km quanh các trạm thu phí sẽ phải đóng 30% mức phí theo quy định khi qua trạm. Để việc triển khai thuận lợi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh chủ trì, chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xác định đúng đối tượng và xác nhận, lập danh sách các phương tiện thuộc diện được giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ gửi Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình để thực hiện giảm giá; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát các đối tượng được giảm giá trong suốt thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án. Định kỳ hàng quý cập nhật danh sách các phương tiện thuộc diện được giảm giá của Công ty BOT vào ngày 25 tháng cuối quý.

Căn cứ vào danh sách phương tiện được giảm giá do địa phương xác nhận, Công ty BOT thực hiện việc giảm giá vé sử dụng đường bộ, tra soát trên phần mềm thu phí xác định số lượng xe thuộc đối tượng được giảm giá dịch vụ qua trạm trong vòng từ 3 - 6 tháng trở về trước, từ thời điểm xác định được danh sách đối tượng giảm giá vé để xác định mức độ ảnh hưởng đến dòng thu của dự án...

Việc triển khai thu phí đã đến thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nếu không được kịp thời giải quyết sẽ tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn có 202 xe đủ điều kiện được giảm giá vé, trong đó có 97 phương tiện sử dụng để kinh doanh (đối tượng giảm 70%). Tuy nhiên, UBND huyện Kỳ Sơn đang đề nghị Công ty BOT tạm thời chưa cập nhật 97 phương tiện này do hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ pháp lý là phương tiện kinh doanh.

Đối với huyện Lương Sơn, theo đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện, tính đến ngày 25/10/2019 mới có 952 xe thực hiện kê khai, rà soát, trong đó 883 xe đã có trong hệ thống của Công ty TNHH BOT QL6 và đang được miễn giảm phí; 69 xe phát sinh mới chưa có trong hệ thống của công ty. Trong 883 xe, có 771 xe hợp lệ; 89 xe không hợp lệ do không có hộ khẩu tại khu vực được miễn giảm phí, hợp đồng không đúng quy định, thiếu hồ sơ; 47 xe có hồ sơ nhưng không có hộ khẩu; 45 xe phát sinh mới chưa có trong hệ thống của Công ty BOT và chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đặc biệt, hiện nay, toàn huyện còn 1.000 xe không có tờ khai, trong đó 713 xe của hộ gia đình, cá nhân (624 xe thiếu hồ sơ, 89 xe không kê khai, không có hồ sơ gì do chưa xác định được xe còn ở địa phương hay đi nơi khác).

Trên thực tế, đến ngày 31/10, huyện Lương Sơn chưa hoàn thành việc rà soát phương tiện, chưa có văn bản kèm theo danh sách phương tiện đủ điều kiện giảm giá vé theo quy định gửi Công ty BOT, điều này tiềm ẩn phức tạp về tình hình ANTT.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Vì đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về chủ trương thu phí đường bộ hoàn vốn cho Công ty BOT để người dân biết, ủng hộ và thực hiện. Tăng cường rà soát phương tiện, cử đoàn công tác trực tiếp xuống hộ dân kiên trì vận động. Nếu nhiều lần vận động mà người dân không hợp tác trong việc kê khai thì có thể làm danh sách công khai ở xóm, thôn, xã, trạm BOT. Trạm BOT cũng cần có trách nhiệm đảm bảo ANTT, chủ động phương tiện, lực lượng bảo vệ, cử cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền đối thoại với nhân dân khi cần thiết. Hiện, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT, ATGT ở các trạm thu phí; phối hợp với 2 huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn và Công ty BOT triển khai lực lượng đảm bảo ANTT và xử lý nghiêm các trường hợp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ.

Bình Giang

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục