(HBĐT) - Điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh khá phù hợp với việc phát triển cây dược liệu phục vụ chế biến các sản phẩm từ dược liệu. Thời gian qua có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm nghiên cứu phát triển vùng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương.
Công ty CP nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình có nhà máy tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn) là doanh nghiệp trồng, nghiên cứu, sản xuất các cây dược liệu, đặc biệt là xạ đen - cây dược liệu có tác dụng cải thiện sức khỏe. Công ty đã tiếp nhận đề tài khoa học nghiên cứu thành phần hóa học, đánh giá hoạt tính sinh học của một số hợp chất từ cây xạ đen, đã trình cơ quan chức năng để cấp giấy bảo hộ độc lập quyền sáng chế, đang tiến hành đầu tư dây chuyền máy móc và đã thử sản xuất một số sản phẩm từ cây xạ đen. Theo lãnh đạo công ty, cây xạ đen Hòa Bình chất lượng khá tốt, với các hoạt chất có tác dụng cải thiện, tăng cường sức khỏe. Diện tích cây xạ đen của tỉnh khoảng 136 ha, tập trung tại các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy... Đây là loại cây dễ trồng, dễ sống, phù hợp với tập quán sản xuất của đại bộ phận người dân, mặt khác cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa, có cơ hội phát triển thành vùng dược liệu phục vụ sản xuất. Hiện nay, công ty đã rà soát quy hoạch, sản xuất một số sản phẩm đưa ra thị trường, được người tiêu dùng phản ánh tích cực như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phybroxaden, trà hoa xạ đen...
Nhiều năm nay, Công ty CP INCA Việt Nam đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu cây sachi cho hiệu quả khá tích cực. Thực tế cho thấy, cây sachi phù hợp với khí hậu, đất đai vùng đồi núi nên sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong năm thứ nhất, năng suất bình quân đạt 1 - 1,3 tấn/ha quả khô, đạt trên 3 tấn từ năm thứ 3 trở đi. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Đại diện Công ty CP INCA Việt Nam mong muốn hình thành vùng nguyên liệu tập trung trồng cây sachi trên địa bàn tỉnh, dự định xây dựng nhà máy nhằm đảm bảo việc chế biến nguyên liệu tại chỗ.
Công ty CP Biopharm Hòa Bình đã tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học; nghiên cứu thành công quy trình chế biến đông trùng hạ thảo; nhân giống một số loại cây làm dược liệu quý như dâu tây, thông đất, nhân sâm, hoàng tinh đỏ, thông đỏ... Bà Đặng Thị Phương Hảo, Giám đốc công ty cho biết: Hiện, công ty đã sản xuất một số sản phẩm đưa ra thị trường như đông trùng hạ thảo Elipha, Liadbio, công suất 400-500 kg tươi/năm; sản xuất các loại giống cây dược liệu như lan thạch hộc rỉ sắt, hà thủ ô đỏ, ba kích tím, lan gấm, lan kim tuyến, sâm cau, giảo cổ lam… công suất khoảng 30 vạn cây giống dược liệu/năm.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh ta có tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng dược liệu và chế biến các sản phẩm từ dược liệu; cây trồng phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của người dân, có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Trong quy hoạch phát triển vùng cây dược liệu của tỉnh đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển 24 chủng loài cây dược liệu có thế mạnh, diện tích trên 2.800 ha, sản lượng đạt khoảng 14 - 20 nghìn tấn/năm. Tỉnh định hướng cho các địa phương chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất, để xây dựng các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Theo định hướng của tỉnh, các ngành, địa phương đang phối hợp rà soát quy hoạch vùng dược liệu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung…
Lê Chung