(HBĐT) - Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) thị trấn Cao Phong (Cao Phong) luôn tiên phong, gương mẫu phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2019, thu nhập bình quân CCB đạt 70 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%, 36 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Toàn Hội chỉ còn 3 hộ nghèo và cận nghèo.



Lãnh đạo Hội CCB thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thăm quan, chia sẻ kinh nghiệm với hội viên về cách trồng lan rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội CCB thị trấn có 420 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Trong những năm qua, cán bộ, hội viên CCB luôn tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển đa dạng ngành nghề kinh tế. Trong đó, cây có múi được xác định là cây trồng mũi nhọn, giúp hội viên giảm nghèo, cải thiện thu nhập. Theo thống kê, toàn Hội CCB thị trấn đã trồng, mở rộng diện tích cây có múi khoảng 300 ha, trên 200 ha trong thời kỳ kinh doanh. Một số hộ gia đình CCB đã liên kết với các nhà vườn ở huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn phát triển khoảng 50 ha. Trong lĩnh vực phát triển kinh doanh dịch vụ có trên 50 hội viên tham gia buôn bán hàng hóa thiết yếu, vật liệu xây dựng, vận tải…

Ông Nguyễn Chí Thêm, Bí thư Chi bộ Tiểu khu 4, đồng thời là hội viên CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế cho biết: "Phát huy phẩm chất truyền thống của người lính cựu trong thời bình, tôi luôn quyết tâm, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm để có cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn. Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, gia đình tôi hiện phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên diện tích gần 1 ha. Trong đó, phát triển trồng cây có múi, nuôi gà, chim bồ câu... Hiện, các sản phẩm được cung cấp cho tư thương trên địa bàn và các vùng lân cận".

Năm 2019, lợi nhuận từ mô hình kinh tế trang trại giúp gia đình ông Thêm thu về gần 200 triệu đồng; tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 2 - 3 lao động với thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày công. Trên cương vị là Bí thư chi bộ, ông Thêm luôn nhiệt tình giúp đỡ các hộ phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây có múi; đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB thị trấn đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện quản lý 5 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho 100 hộ tiếp cận nguồn vốn. Nắm bắt tâm lý, nhu cầu của hội viên để chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, thăm quan mô hình kinh tế tiêu biểu nhằm học hỏi, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Đồng chí Đinh Công Tình, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cao Phong cho biết: "Để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, trong thời gian tới, Hội CCB thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên mở rộng diện tích, trồng đa dạng các giống cam để có thể thu rải vụ trong năm. Phát triển đa dạng, phong phú ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại đem lại lợi nhuận cao. Đồng thời, khuyến khích hội viên tìm tòi, sáng tạo cách làm hay, hiệu quả. Qua đó, đồng hành, giúp đỡ nhau trong đời sống và phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương”.


Đức Anh


Các tin khác


Đứt gãy chuỗi cung ứng, 2.000 lồng cá gặp trở ngại đầu ra

(HBĐT) - Lâu nay, nguồn sinh kế ổn định của hàng nghìn hộ dân huyện Đà Bắc có được từ nghề nuôi cá lồng đặc sản vùng hồ. Tuy nhiên, do tác động tình hình dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng thị trường bị đứt gãy, người nuôi cá lồng vùng hồ đang gặp khó về đầu ra. Theo đồng chí Bùi Thị Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện, có trên 2.000 lồng nuôi cá bị ảnh hưởng thuộc các xã: Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa, Nánh Nghê, Toàn Sơn, Yên Hòa...

Toàn tỉnh trồng trên 2,5 nghìn ha rừng tập trung

(HBĐT) - Tính đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh đã gieo ươm được trên 8,8 triệu cây giống các loại, trồng mới trên 2,5 nghìn ha rừng tập trung, đạt 45% kế hoạch. Các địa phương tiếp tục gieo ươm, tích cực chăm sóc cây giống các loại, đảm bảo chất lượng phục vụ kế hoạch trồng rừng vụ xuân và cả năm 2020.

Huyện Cao Phong ra mắt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

(HBĐT) - Ngày 5/5, UBND huyện Cao Phong ra mắt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 11/3/2020 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Phong trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện.

Hiệu quả Chương trình 135 ở huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Lạc Sơn đạt được nhiều kết quả ý nghĩa. Chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của Nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) cơ bản được đầu tư xây dựng; nguồn vốn được đầu tư, sử dụng đúng mục đích, đối tượng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Lạc Thủy tạo bứt phá phát triển Chương trình OCOP

(HBĐT) - Năm 2019, huyện Lạc Thủy có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó, sản phẩm đạt 4 sao là gà tươi nguyên con của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, xã An Bình; cam trứng, chủ thể Vũ Duy Tân, xã Thống Nhất đạt 3 sao. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP góp phần tạo sức cạnh tranh trên thị trường, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của huyện.

Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Tỉnh Hòa Bình vươn lên tốp khá

(HBĐT) - Sáng 5/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Tỉnh Hòa Bình đứng thứ 48, vươn lên tốp khá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục