(HBĐT) - Ông Bùi Văn Nhưng không chỉ được biết đến là người đầu tiên đưa thành công mô hình quả thanh long cho năng suất cao về xóm Thóng, xã Bình Cảng - nay là xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, mà ông còn thành công cả với mô hình nuôi gà, thả cá…
Mô hình trồng thanh long của gia đình ông Bùi Văn Nhưng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn).
Năm 1992, sau những năm xa quê tích cóp được số vốn ít ỏi, ông Nhưng quyết định trở về quê hương đầu tư làm kinh tế từ diện tích đất cha ông để lại. Sau nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu về mô hình trồng cây thanh long Định 5 mới được lai tạo, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã thành công với mô hình trồng thanh long giống mới, cho chất lượng thơm, ngon ngọt. Sau khi trồng thành công và cho thu nhập cao, ổn định, ông đã vận động anh em họ hàng, bà con trong làng cùng trồng, nhân rộng giống cây này.
Để có giống tốt cung cấp cho bà con, ngoài việc tự nghiên cứu và có sự giúp đỡ kỹ thuật của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, ông đã ươm giống bán, hỗ trợ cho bà con trong vùng và các huyện, tỉnh lân cận. Để đưa trái thanh long ruột đỏ đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, theo ông Nhưng, trong thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ hướng dẫn chăm sóc cây thanh long theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, nhằm sớm đưa cây thanh long ruột đỏ của xã Vũ Bình trở thành một thương hiệu cây ăn quả đặc sản của tỉnh.
Ngoài thành công trong việc trồng thanh long ruột đỏ giống mới, ông Nhưng còn kết hợp nuôi gà, thả cá, trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Ông đã đầu tư xây dựng một trang trại tổng hợp với tổng diện tích trên 1 ha, theo mô hình trang trại khép kín, hướng tới các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường. Trong đó, diện tích ao nuôi cá rộng khoảng 300 m2, năng suất trung bình mỗi năm thu được 7 tạ - 1 tấn cá các loại. Tận dụng mặt nước ao, ông Nhưng nuôi hơn 300 con vịt đẻ trứng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Năm 2017, ông Nhưng tiếp tục mở rộng sản xuất sang nuôi lợn, ông xây dựng thêm 3 gian với diện tích 80 m2, chia làm 3 khu, gồm: khu nuôi lợn thịt, khu nuôi lợn nái và khu nuôi lợn sau sinh. Để đảm bảo chất lượng con giống, chất lượng lợn thịt, ông nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh. Ông xây dựng bể bioga vừa sửa dụng lượng phân thải làm chất đốt, vừa tránh làm ô nhiễm môi trường. Cùng với cám và nguồn lương thực địa phương, ông nấu rượu lấy bỗng cho lợn ăn. Trung bình mỗi năm, ông xuất chuồng 50 con lợn thịt, cho thu nhập hơn100 triệu đồng. Lợn giống cũng cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Đồng thời, gia đình ông kết hợp nuôi khoảng 300 con gà ri cũng cho thu nhập ổn định.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Nhưng tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con trong xóm, chịu khó học hỏi trên báo, đài những kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nhằm đưa năng suất ngày càng cao hơn.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, dám nghĩ dám làm, ông còn vận động bà con lối xóm tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tuyên truyền gia đình và người dân trong xã đoàn kết, cùng chung tay giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Từ thành công trong việc đưa cây thanh long về vùng đất Vũ Bình đến mô hình sản xuất VAC khép kín không chỉ giúp làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần lan tỏa những mô hình kinh tế trong cộng đồng. Tháng 11/2019, gia đình ông Nhưng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Vũ Mạnh Hùng
(Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh)
Một số doanh nghiệp phản ánh chưa thể tiếp cận được gói tín dụng 650.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 2 - 3%/năm, bởi sự "cứng rắn” của các ngân hàng...
Nhiều khách hàng thắc mắc, trong kỳ hoá đơn tháng 4, lượng tiêu thụ điện năng nhiều hơn, nhưng số tiền thanh toán lại ít hơn? Về vấn đề này, ngành điện lực khẳng định "đúng với các quy định hiện hành".
(HBĐT) - Năm 2020, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.071.825 triệu đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 4.560.825 triệu đồng, trong đó, số vốn giao chi tiết trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 3.948.805 triệu đồng. Đến cuối tháng 4, kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án là 3.722.568 triệu đồng. Số vốn chưa được giao chi tiết là 226.237 triệu đồng.
(HBĐT) - Cấp ủy, chính quyền huyện Lương Sơn xác định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện đã lựa chọn những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng để đầu tư nâng cao chất lượng theo hướng sản xuất sạch, tiêu chuẩn VietGAP… Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP tạo sức bật lớn cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện.
(HBĐT) - Đó là định hướng được Đảng bộ xã Đông Lai (Tân Lạc) đề ra với sự thống nhất cao của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong nhiệm kỳ trước, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, góp phần quan trọng đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết đề ra.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 với biện pháp thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1-4 đã khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế suy giảm, thậm chí rơi vào trạng thái đóng băng. Vượt lên trên tất cả, nền tảng vĩ mô tốt đã giúp kinh tế Việt Nam thoát tình trạng tăng trưởng âm, dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn.