(HBĐT) - Đưa vào trồng thử nghiệm trên đồng đất xã Thống Nhất, Khoan Dụ, Hưng Thi (Lạc Thủy) kể từ vụ đông năm 2019, liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa bao tử giữa bà con nông dân và Công ty CP SX-XNK thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp (Hagimex JSG) đã đạt được kết quả thuyết phục.


Nông dân thôn Vỏ, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) trồng dưa chuột bao tử theo hợp đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vụ xuân hè 2020 là vụ thứ hai chị Trần Thị Hằng, trưởng thôn Vỏ, xã Thống Nhất tiếp tục đưa giống dưa bao tử xuống đồng. Chỉ tay về những chân ruộng dưa xanh mướt, thấp thoáng bóng dáng nông dân đang khẩn trương thu hái quả, chị Hằng phấn khởi cho biết: Trồng dưa bao tử cho lợi nhuận cao hơn hẳn so với làm ngô, lúa. 1 sào ruộng (360 m2), nếu cấy lúa được mùa cũng chỉ thu về 1 tấn hạt nhưng trồng dưa bao tử bán chí ít cũng có trên, dưới 3 triệu đồng. Đang là chính vụ, lượng quả sai hơn, dự kiến với mỗi 1 sào, gia đình chị thu lãi 4 triệu đồng. Với vai trò trưởng thôn đi đầu trong thực hiện, minh chứng hiệu quả, chị Hằng đã tuyên truyền, vận động để các hộ trong thôn học hỏi, đăng ký tham gia, nhân rộng mô hình.

Cũng ở vụ xuân - hè 2020, ông Bùi Văn Thịnh ở thôn Thung Voi, xã Hưng Thi tham gia mô hình trồng dưa bao tử hợp đồng đã ký kết với công ty Hagimex JSG. Ông Thịnh chia sẻ: Vì trồng đúng thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên dưa bao tử cho sai quả. Dưa càng thu sớm, khẩn trương, đảm bảo quy cách sẽ càng được giá nên ngày nào cũng phải ra ruộng thu hoạch quả. Quan trọng hơn cả là phía đơn vị thu mua thực hiện đúng cam kết về giá, trực tiếp đứng ra thu mua cho bà con nông dân nên hộ làm mô hình rất yên tâm.

Theo hợp đồng ký kết, giá thu mua dưa bao tử giữ ổn định từ đầu đến cuối vụ với 4 loại quy cách. Quả loại 1 có đơn giá 11.000 đồng/kg (dài 3-5 cm), loại 2 giá 5.500 đồng/kg (4-6 cm), loại 3 giá 3.000 đồng/kg (6-9 cm), loại 4 giá 2.000 đồng/kg (9-12 cm). Ông Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc công ty Hagimex JSG cho biết: Hoạt động tại Cụm Công nghiệp Biên Hòa, huyện Kim Bảng (Hà Nam), nhà máy Hagimex JSG là một trong những nhà máy thực phẩm sản xuất hàng dưa - cà chua, gia vị sạch - đẹp và đầu tư kỹ càng nhất miền Bắc, có thị trường ổn định. Đặc biệt là mặt hàng dưa chuột bao tử đóng lọ xuất khẩu sang thị trường các nước Hà Lan, Nga, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... chiếm trên 50% tổng doanh thu. Với mục tiêu mở rộng chuỗi nguyên liệu đầu vào, công ty đã triển khai liên kết trồng dưa bao tử sạch tại huyện Lạc Thủy. Trong khuôn khổ mô hình, nông dân được tạm ứng hạt giống, thuốc BVTV và thanh toán cho doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc thời vụ thu hoạch. Doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua theo giá sàn ở mức cao, chi trả sòng phẳng, đúng hẹn nên người trồng không phải lo về giá cả, đầu ra sản phẩm.

Qua triển khai thực tế, cây dưa chuột bao tử đem lại hiệu quả kinh tế cao tại 3 xã có mô hình. Với ưu điểm thích hợp trồng trên đất lúa, chi phí sản xuất không nhiều, vòng quay thu hồi vốn nhanh (bình quân 35-40 ngày là có thể cho thu hoạch), thời gian thu hoạch kéo dài 45-50 ngày, mỗi ha trồng dưa chuột bao tử đạt thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/vụ. Một năm, nông dân có thể trồng 3 vụ, bình quân thu nhập trên mỗi ha trên 300 triệu đồng. Đến nay, tại các xã Khoan Dụ, Thống Nhất, Hưng Thi đã có 14 hộ tham gia mô hình trên diện tích 1,4 ha. Hiệu quả thực tiễn sau 2 vụ sản xuất là cơ sở để địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhân rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng với doanh nghiệp để được bao tiêu, ổn định đầu ra sản phẩm.     
          
Bùi Minh

Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục