(HBĐT) - Là hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, từ diện tích đất trồng ngô và mía tím cho thu nhập không đảm bảo, ông Quách Công Tiến, xóm Kim Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi loại cây trồng. Đến nay, với nguồn thu nhập "khủng" từ vườn cây ăn quả, ông trở thành tấm gương sáng cho bà con trong vùng học tập, để từng bước thay đổi phương thức sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.



 Nông dân Quách Công Tiến, xóm Kim Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) mạnh dạn chuyển đổi loại cây trồng, vươn lên phát triển kinh tế. 

Năm 2013 với ông Tiến là dấu mốc đáng nhớ trong hành trình gây dựng cơ nghiệp. Ông chia sẻ: Ngày ấy, ở vùng đất này, đầu tư lớn để trồng cây ăn quả đối với nhiều người là khá liều lĩnh. Với khát khao biến tấc đất thành "tấc vàng”, tôi đã cất công đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu các mô hình kinh tế. Nhận thấy chất đất tại vườn nhà có độ PH khá cao, khí hậu mát mẻ, phù hợp với nhiều loại cây ăn quả có múi, tôi đã bàn với vợ chuyển đổi 4.000 m2 đất vườn đầu tiên sang trồng cam.

Bao năm làm lụng, tích cóp được chút vốn liếng, vợ chồng ông dồn hết vào quy hoạch lại vườn, làm tường bao, đầu tư mua cây giống, kỹ thuật trồng cam canh. Cùng với đó, việc tham gia vào HTX Mường Động giúp ông được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng KHKT vào canh tác. Nhờ vậy, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ giai đoạn kiến thiết. Từ những tín hiệu đáng mừng đó, 1 năm sau, ông mạnh dạn mở rộng thêm diện tích vườn cây có múi, trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh. Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, cùng sự ham học hỏi, tìm tòi, từ vụ quả bói đầu tiên, gia đình ông đã thu về vài trăm triệu đồng. Quy trình chăm sóc được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, nên cam canh khi thu hoạch vỏ mỏng, ngọt, mọng nước, bưởi Diễn có mùi thơm, ngọt đậm, không bị khô ruột, được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Vào dịp cuối năm, nhiều khách hàng khu vực Hà Nội đặt mua cam canh, bưởi.

Đến nay, trên tổng diện tích vườn cây ăn quả được mở rộng lên 3,05 ha, đã có khoảng 1.000 gốc bưởi, 1.200 gốc cam canh cho thu hoạch, năng suất ổn định, số còn lại đang trong thời gian kiến thiết. Với chất lượng được khẳng định, vườn cây ăn quả đã mang lại nguồn thu nhập đều đặn hàng năm cho gia đình ông Tiến, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, với giá cam canh trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, giá bưởi giao động từ 12.000 - 25.000 đồng/quả, ông đã thu về gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ biến khu đất bao năm chỉ trồng ngô, trồng mía thành trang trại cây ăn quả thu nhập bạc tỷ, ông Tiến còn là một nông dân năng nổ, sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong vùng về kinh nghiệm sản xuất. Coi ông là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương, nhiều hộ trong vùng đã học tập, noi theo, thay đổi tư duy sản xuất cũ, tích cực nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo. Về xã Kim Bắc hôm nay, rất dễ để có thể thấy những vườn quả "vàng” hiện lên sau những hàng tường bao chạy dài 2 bên đường, trên những chân đồi. Hộ trồng ít chừng 7.000-8.000 m2, hộ trồng nhiều từ 1 ha trở lên. 

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, trang trại của ông còn tạo việc làm cho từ 5-30 lao động thời vụ, tùy theo từng thời điểm, với mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. 

Với những thành quả đạt được từ sự nỗ lực, giai đoạn 2018-2019, ông Tiến được UBND huyện tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, là một trong những mô hình tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. 


Thu Hằng

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục