(HBĐT) - Với mục tiêu cải tạo đàn bò của tỉnh, mở hướng phát triển chăn nuôi gia súc, năm 2018, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bắt đầu thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của bò lai (bò đực BBB lai với bò cái lai Sind) nuôi tại tỉnh Hòa Bình’’. Đến nay, thế hệ F1 của giống bò lai thể hiện khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.
Đồng chí Ngô Công Vinh, Chủ nhiệm đề tài khoa học chia sẻ: Thống kê năm 2016, tổng đàn bò của tỉnh có trên 63 nghìn con, trong đó, chủ yếu là giống bò vàng Thanh Hóa, còn giống bò lai Sind và lai Zebu chiếm khoảng 40%. Những giống bò này có tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, tỷ lệ xẻ thịt chỉ đạt từ 40 - 48%. So với các giống bò thịt chuyên dụng trên thế giới thì tầm vóc, năng suất của những giống bò đang nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Thực tế đó đặt ra yêu cầu, cần phải nhập các giống bò thịt có năng suất, chất lượng cao để cải tạo giống bò địa phương, phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh. Trong đó, giống bò Blanc-Blue-Belgium (bò BBB hay bò 3B) là giống bò thịt chuyên dụng của Bỉ, với cơ bắp rất phát triển. Bê sơ sinh của giống bò 3B có khối lượng từ 40 - 45 kg. Khi đạt 1 năm tuổi, bê đực nặng gần nửa tấn; bê cái nặng gần 4 tạ. Giai đoạn trưởng thành, bò đực nặng trên 1 tấn, bò cái đạt từ 710 - 720 kg, với tỷ lệ thịt xẻ đạt 66%.
Trước thực tế tại tỉnh chưa có công trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN lai giữa bò đực "3B” với bò cái lai Sind để cải tạo đàn bò địa phương, năm 2018, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của bò lai (bò đực BBB lai với bò cái lai Sind) nuôi tại tỉnh Hòa Bình’’, tại huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình. Theo đó, tinh bò đực 3B được nhập từ Vương quốc Bỉ, bò cái nhận tinh là giống bò lai Sind, sinh sản tự nhiên từ 2 - 5 lứa, trọng lượng 270 kg trở lên. "Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung trong thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bò đậu thai đạt 140% kế hoạch, tỷ lệ bê sơ sinh sống, sống đến 3 tháng tuổi, 6 tháng tuổi đều cao hơn yêu cầu của thuyết minh" - đồng chí Ngô Công Vinh, Chủ nhiệm đề tài cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Trường, tổ 10, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) là một trong những hộ đang nuôi bò lai 3B thế hệ F1 của dự án. Đàn bò của gia đình ông có trên 10 con, trong đó có 3 con bò lai 3B. Với hình thức nuôi chăn thả tự do, ông Trường đánh giá cao khả năng thích nghi và sự phát triển nhanh của giống bò lai mới này. "Bò lai 3B có nhiều ưu điểm, tầm vóc to lớn gấp đôi so với bò ta. Giống bò lai này cũng có sức đề kháng tốt hơn bò ta. Nhìn chung, bò lai 3B khá thích hợp với điều kiện ở địa phương, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Trường cho biết.
Ở những hộ nuôi khác, thế hệ F1 của bò lai 3B cũng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nuôi chăn thả hoặc nuôi nhốt. "Đánh giá, so sánh khả năng thích nghi, mức độ cảm nhiễm bệnh tật thường gặp của bê lai với bê được thụ tinh thông thường tại địa phương, chúng tôi thấy con lai F1 có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi được tiêm phòng vắc xin, tẩy giun sán định kỳ, khả năng kháng bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, bệnh ngoại, nội khoa rất tốt so với giống bò địa phương cùng được nuôi trên một địa bàn"- đồng chí Ngô Công Vinh nhấn mạnh.
Với những kết quả đó, có thể thấy, nuôi bò lai 3B là hướng phát triển chăn nuôi đầy hứa hẹn, giúp cải tạo giống bò địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi.
Viết Đào