Huy động tối đa nguồn lực
Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) GNBV tỉnh được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí T.Ư hỗ trợ và một phần là nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Quá trình điều hành, tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực khác (dưới hình thức lồng ghép), cùng với sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng và người dân để thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được 1.184,428 tỷ đồng để thực hiện các dự án của Chương trình MTQG GNBV. Trong đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ 778,996 tỷ đồng vốn đầu tư và 276,167 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Ngân sách địa phương chi 23,804 tỷ đồng vốn đầu tư. Vốn Ailen viện trợ không hoàn lại là 38,900 tỷ đồng. Nguồn huy động từ Nhân dân, các tổ chức chính trị quyên góp ủng hộ thực hiện các mục tiêu của chương trình khoảng 66,061 tỷ đồng (Nhân dân đóng góp 31,061 tỷ đồng, chủ yếu bằng hình thức huy động ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu). Nguồn các tổ chức quyên góp ủng hộ 35 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ vật chất cho địa phương, cộng đồng dân cư, hộ nghèo về trang thiết bị văn hóa, giáo dục, y tế...
Việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG GNBV được các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm vận động, lồng ghép với nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh..., góp phần hoàn thành mục tiêu GNBV trên địa bàn.
Tỷ lệ giảm nghèo bình quân vượt kế hoạch đề ra
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 50.959 hộ nghèo, chiếm 24,38%; 24.586 hộ cận nghèo, chiếm 11,76%. Nguyên nhân nghèo đa dạng, ngoài các yếu tố khách quan như thiên tai, tai nạn, ốm đau, rủi ro ngoài ý muốn, một số hộ dân không có hoặc thiếu lao động, đất đai, tay nghề, việc làm, nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, dẫn đến nghèo đói.
Xác định rõ thực tiễn, ngay từ đầu giai đoạn, tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Quá trình thực hiện, nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ các bộ, ngành T.Ư, sự vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và ủng hộ của người dân, vì vậy, Chương trình GNBV đã đạt kết quả tích cực. Các chương trình, chính sách được thực hiện đã góp phần thúc đẩy, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc. Các mục tiêu của Chương trình GNBV đặt ra cơ bản đều đạt. Riêng với mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của tỉnh đã vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch giảm 3%/năm, nhưng giai đoạn 2011-2015 giảm được 3,85%/năm, giai đoạn 2016-2020 giảm 3,16%/năm).
Những dấu ấn tốt đẹp đó là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục xây dựng lộ trình GNBV cho giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu chung là hạn chế tái nghèo, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt ở các địa bàn nghèo, khu vực nông thôn. Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn áp dụng giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh bình quân từ 2,5 - 3%/năm. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách hộ nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa Hòa Bình và các tỉnh trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc và toàn quốc.
Thúy Hằng