(HBĐT) - Ngày 25/7/2017, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết (NQ) số 15-NQ/TU về phát triển chăn nuôi bền vững (CNBV) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm thực hiện NQ, các địa phương đã phát huy được lợi thế để phát triển một số vật nuôi chủ lực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi dần được nâng cao, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và tiếp cận thị trường, từ đó góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.
Những năm qua, để phát triển CNBV, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt các dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển chăn nuôi… Hiện nay, cơ bản các địa phương đã phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, phù hợp với phát triển KT-XH và quy hoạch ngành, tạo đà cho phát triển nông nghiệp đồng bộ, bền vững.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Người chăn nuôi đã quan tâm đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, dần xóa bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông hay nhốt dưới gầm sàn. Nhiều địa phương đã tổ chức lại sản xuất, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ sang chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ trong trang trại, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa sản xuất chăn nuôi. Chăn nuôi trong trang trại được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2016, tỷ trọng chăn nuôi trong trang trại mới đạt khoảng 7,64% đầu con, 11,17% sản lượng, đến năm 2020 đã tăng lên 15% đầu con, 20% sản lượng.
Gia đình ông Lê Văn Luyến, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) là điển hình nông dân SX-KD giỏi với mô hình kinh tế tổng hợp, chủ lực là chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô hàng hóa. Theo chia sẻ của ông Luyến về CNBV, việc coi trọng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ động tiêm các loại vacxin phòng, chống dịch bệnh, khử trùng tiêu độc định kỳ, vệ sinh chuồng trại hàng ngày và đầu tư hệ thống chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng về mùa hè, kín gió về mùa đông, xa nơi ở… là những yêu cầu quan trọng. Chính vì vậy, gia đình ông phòng tránh được các loại dịch bệnh thông thường, nhất là đợt dịch tả lợn châu Phi không bị thiệt hại. Bên cạnh đó, gia đình ông tự sản xuất lợn giống để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư. Hiện, gia trại của ông có trên 500 con gia cầm, 20 lợn nái, 100 lợn thịt. Hàng tháng đều có lợn xuất chuồng nhằm đảm bảo quay vòng vốn đầu tư.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện NQ của Tỉnh ủy về phát triển CNBV, tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này là 6,38%, đạt mục tiêu NQ đề ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; chất lượng, giá trị đàn vật nuôi tăng lên. Tính đến tháng 5/2020, tổng đàn trâu đạt gần 115.700 con, vượt 5,18% so với mục tiêu đề ra; tổng đàn bò gần 84.300 con, vượt 5,34%; tổng đàn gia cầm khoảng 7.655.500 con, vượt 9,36%; đàn dê 51.300 con, vượt 28,21%. Riêng với đàn lợn, do thị trường tiêu thụ không ổn định, có lúc giá thịt hơi xuống rất thấp, tiếp đó lại đến dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng, do vậy, tổng đàn lợn trong tỉnh có trên 440.400 con, đạt gần 63% so với mục tiêu đề ra.
Cùng với mục tiêu phát triển đàn vật nuôi, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; triển khai một số đề tài, dự án ứng dụng KHCN trong chăn nuôi. Đồng chí Trần Tiến Trường cho biết thêm: Những cơ sở chăn nuôi lớn, nhất là trong trang trại tập trung công nghiệp đã đầu tư hệ thống chuồng kín; áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi, công tác quản lý, quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải... đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Chăn nuôi trong nông hộ đã sử dụng thức ăn công nghiệp, áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn, trâu, bò nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Năm 2016, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 3.328 tấn, thịt bò hơi 1.050 tấn, thịt dê hơi 66 tấn, đến năm 2020, dự kiến con số này lần lượt là: 3.700 tấn, 3.290 tấn, 126 tấn.
Điểm nhấn là tổng số trang trại và tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại đến năm 2020 tăng mạnh so với trước khi triển khai NQ số 15/NQ-TU. Toàn tỉnh hiện có 112 trang trại nuôi lợn, gia cầm. Trong đó, trang trại nuôi lợn tăng 20,6%, tổng số lợn nái tăng 60,5%, lợn thịt và hậu bị tăng 74,9%; trang trại nuôi gia cầm tăng 24,6%, tổng đàn gia cầm thương phẩm/lứa tăng 36,7%, gia cầm giống và đẻ trứng tăng 31,4%. Hiện, tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thu Hiền