(HBĐT) - 6 tháng đầu năm 2020, cùng với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, tỉnh còn chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất thường, nhất là hạn hán làm nước hồ Hòa Bình cạn kiệt. Do đó, sản lượng điện sản xuất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình sụt giảm nghiêm trọng, gây hụt thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Bởi nguồn thu từ Thủy điện chiếm tỷ trọng quá lớn, đã kéo kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm. Tỉnh đang phải chịu tác động kép, trong khi đó hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng hết sức khó khăn. Đồng hành cùng DN vượt khó được Tỉnh ủy, UBND tỉnh sát sao chỉ đạo.


Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: p.v

Lao đao trong mùa dịch

Những tháng đầu năm, sản xuất - kinh doanh (SX-KD) bị đình trệ, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh đã có 152 DN, 25 HTX, trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng ký tạm ngừng hoạt động SX-KD; gần 1.280 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ trên 2.265 tỷ đồng.

Cùng với việc các DN, HTX, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh thì người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu của Sở KH&ĐT, toàn tỉnh đã có 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động của 69 DN bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã có 1.164 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, đã thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 918 người, với tổng số tiền chi trả 12,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ của ngành Công Thương đối với 16 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có 3 DN đã cho toàn bộ lao động nghỉ việc từ tháng 4 đến nay; 10 DN sản xuất cầm chừng, thực hiện sắp xếp lao động sản xuất luân phiên, giảm số ngày, giờ làm việc nhằm giữ chân lao động; 3 DN năng suất sản xuất giảm bởi công nhân làm việc luân phiên, theo ca.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, thương mại và dịch vụ, dẫn đến suy giảm đầu tư trong ngắn hạn và tác động tới dài hạn, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài Nhà nước. Các nhà đầu tư mới đã dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư. Các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn việc tăng vốn và mở rộng đầu tư. 

Trong 6 tháng đầu năm, DN thành lập mới và dự án đầu tư vào tỉnh giảm sút, Cụ thể, tỉnh thu hút được 27 dự án SX - KD, giảm 7 dự án so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh có 171 DN thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.733 DN, 675 chi nhánh, văn phòng đại diện; trong đó có 2.922 DN đang hoạt động, 815 DN gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, hoạt động của DN nói riêng gặp nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, thời tiết thì nguyên nhân chủ quan là rất lớn.


Nhờ kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, cầu Hòa Bình 2 (TP Hòa Bình) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tại cuộc đối thoại với DN, nhà đầu tư được UBND tỉnh tổ chức mới đây, đồng chí Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở KH&Đ cho biết: Các thủ tục pháp lý sau khi thành lập DN còn phức tạp, kéo dài. Các dự án đầu tư sản xuất CN - TTCN chủ yếu ở ngoài khu, cụm công nghiệp, dẫn tới phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường. Đây là một trong những vướng mắc khiến nhà đầu tư và các cơ quan Nhà nước chưa đẩy nhanh được giải quyết công việc, mà vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và một số quy hoạch khác chưa thống nhất, không sát thực tiễn, gây khó khăn khi giải quyết chủ trương đầu tư. Qua nắm bắt thông tin, DN, nhà đầu tư hay gặp khó khăn khi phải làm việc với các phòng chuyên môn của cấp huyện, xã liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư rất cần sự hỗ trợ của địa phương nhưng thường chưa được như mong đợi...

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều DN, công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Một năm DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, ảnh hưởng lớn đến thời gian hoạt động SX-KD. Việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, thiếu nhạy bén, liên quan đến nhiều đầu mối. Có khi về một vấn đề nhưng văn bản trước, sau không thống nhất nội dung do cập nhật thông tin của các ngành không đồng nhất. Đặc biệt, còn một bộ phận cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu DN, ý thức trách nhiệm chưa cao, thiếu sự sáng tạo, linh hoạt trong công việc...

"Lãnh đạo UBND tỉnh chia sẻ khó khăn với DN. Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo, giải quyết vướng mắc. Rất mong cộng đồng DN vươn lên, giúp tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh hơn. Thực tế cho thấy, DN với tỉnh luôn đồng hành, nếu không có DN thì tỉnh không thể phát triển. Các chỉ tiêu KT - XH của tỉnh nếu không có DN thì không thể có được" - đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khi gặp mặt, đối thoại với DN, nhà đầu tư.

Đồng hành vượt khó để phát triển

Trước những khó khăn và ý kiến phản ánh của DN, Tỉnh ủy, UBND đã và đang sát sao chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đơn giản hóa các loại giấy tờ trong giải quyết TTHC, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC. Khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh cá thể, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ, kịp thời, đúng đối tượng. 

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Đồng thời, cho phép gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Hỗ trợ trực tiếp cho DN, người lao động bị ảnh hưởng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cho phép các DN tạm dừng đóng BHXH đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền cũng như quy định của pháp luật.

Trao đổi về khó khăn của DN trong hoạt động SX-KD, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ rõ: Để hỗ trợ, giúp đỡ DN, nhất thiết phải cải cách, chấn chỉnh nền công vụ. DN cần TTHC thông thoáng, đơn giản hóa, cần chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, yêu cầu sử dụng đất, giao đất, tính sát được giá đất, trong đó, có những phần việc phải đề xuất với T.Ư. Trên cơ sở xác định rõ cái cần, cái vướng của DN, các sở, ngành phải quan tâm giúp đỡ, ủng hộ DN. Cần thực hiện luân chuyển cán bộ đảm nhiệm một vị trí quá lâu đối với các sở, ngành thường xuyên liên quan trực tiếp đến DN. Lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở mong cho tỉnh phát triển, trong đó có cả DN. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị cộng đồng DN tham gia vào hai việc lớn của tỉnh là quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Tỉnh ưu tiên dành nhiều nguồn lực phục vụ cho quy hoạch đô thị TP Hòa Bình sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào và các thị trấn đang điều chỉnh quy hoạch. Các DN cần tích cực tham gia công tác quy hoạch, bởi sau này đối chiếu với dự án của mình mà không có trong quy hoạch sẽ lại gặp vướng mắc, thực tế này diễn ra rất nhiều ở giai đoạn 2015 - 2020. Nếu mở ra hai quy hoạch trên, tin là chúng ta sẽ có hành lang pháp lý dọn đường cho các dự án đầu tư có thể tiến hành được thuận lợi. Đồng thời, phải có chủ trương, cách làm phù hợp trong vấn đề giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh cần thiết ra văn bản, giao cấp huyện xây dựng khung giá, nếu áp giá Nhà nước thì ghi rõ số tiền để tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cam kết với DN, nhà đầu tư, đối với những đề xuất, kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hoạt động SX - KD, lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo và có phản hồi. Đề nghị DN tích cực, chủ động phản ánh, trao đổi thông tin, tất cả vì cái chung, đó là sự phát triển của tỉnh.


 Hoàng Nga


Ý KIẾN CỦA DOANH NGHIỆP


Chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Trong thời gian qua, cộng đồng DN, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó có giao các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cải thiện các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư yên tâm SX-KD.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ý kiến của DN, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thể hiện ở TTHC còn rườm rà, cứng nhắc, đặc biệt là thủ tục về đất đai. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của DN. Hiện nay, cách tính giá đất của UBND quá cao so với mặt bằng thị trường, dẫn đến các nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét tính giá bất động sản của địa phương hợp lý hơn.

Sau dịch Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn, Hiệp hội DN tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát giải ngân trả nợ vốn cho các dự án đầu tư công đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Đề nghị hạn chế các cuộc thanh, kiểm tra, giúp DN có thời gian đầu tư SX - KD nhằm phục hồi sau dịch Covid-19. Cùng với đó, tỉnh cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chung cho các huyện, thành phố để các nhà đầu tư thực hiện dự án...

 

Quan tâm bảo dưỡng, bảo trì thiết bị điện phục vụ sản xuất của doanh nghiệp

Bà Trịnh Thị Minh, Công ty TNHH Almine Việt Nam, KCN Lương Sơn (Lương Sơn)

Những tháng đầu năm 2020, Công ty TNHH Almine Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Almine Việt Nam đã được hỗ trợ tiền điện trong 3 tháng theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó góp phần động viên DN có niềm tin để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 còn lớn và dự báo kéo dài. Do vậy, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng có kiến nghị lên Chính phủ tiếp tục gia hạn gói hỗ trợ tiền điện đến tháng 12/2020, giúp DN có thêm điều kiện vực dậy SX-KD.

Cũng liên quan đến vấn đề điện, vừa qua, chúng tôi nhận được văn bản của Công ty Điện lực Hòa Bình đề nghị thay thế một số thiết bị đầu nguồn thuộc quản lý của Điện lực. Qua tìm hiểu được biết, thực tế trong quá khứ, có những DN đầu tư tại tỉnh có thể đầu tư cả những thiết bị điện thuộc phần quản lý của Điện lực, do muốn đẩy nhanh tiến độ dự án hoặc xuất đầu tư các thiết bị không đáng kể so với tổng chi phí của dự án. Tuy nhiên, sau khi đầu tư rồi, ngành điện nên tiếp quản các thiết bị đó để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Việc cung cấp nguồn điện ổn định có vai trò đặc biệt quan trọng với hiệu quả hoạt động của DN. Chúng tôi mong rằng, khi có báo cáo, phản ánh của DN về vấn đề cung cấp điện, các cấp, ngành có sự chỉ đạo sát sao để bảo vệ quyền lợi tối đa nhất của khách hàng cũng như ngành điện.

 

 



Các tin khác


Xã Cao Sơn đẩy mạnh phát triển cây có múi

(HBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Cao Sơn (Lương Sơn) đã tập trung chỉ đạo Nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Trong đó, cây ăn quả có múi phát triển mạnh mẽ, diện tích ngày càng mở rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân.

Công nghiệp, dịch vụ, du lịch - lĩnh vực then chốt của thành phố trẻ

(HBĐT) - Trong giai đoạn 2015 - 2020, UBND TP Hòa Bình luôn bám sát nghị quyết của cấp uỷ và HĐND thành phố để xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn trong SX-KD cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời vướng mắc có liên quan đến công tác bồi thường, GPMB các dự án triển khai trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Khai thác hiệu quả lợi thế vùng động lực.

Ngân hàng vẫn tự tin với mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Dù có nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng âm, tăng trưởng tín dụng thấp, do các khách hàng vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, song cũng có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt trong 6 tháng đầu năm 2020.

Ngành nông nghiệp vượt thách thức để tận dụng lợi thế EVFTA

Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Dự kiến, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tận dụng được nhiều lợi thế từ EVFTA. Tuy nhiên, cơ hội nào cũng đi kèm thách thức, và giá trị thực sẽ chỉ đạt được nếu các ngành hàng nông nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe vào bậc nhất thế giới của thị trường EU.

Thị trấn Bo chú trọng phát triển kinh doanh, dịch vụ

(HBĐT) - Trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ, thương mại ở thị trấn Bo (Kim Bôi) không ngừng phát triển về cả số lượng và loại hình kinh doanh. Thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn thị trấn, ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển đa dạng mặt hàng kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục