(HBĐT) - Tận dụng lợi thế điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Tân Lạc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù là cây bưởi đỏ, bưởi da xanh ở các xã vùng thấp, dọc quốc lộ 12B và một số xã trên địa bàn; phát triển các loại rau ôn đới tại vùng cao đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Người dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) trồng rau su su thu về từ 180 - 200 triệu đồng/ha.
Huyện đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi 2.500 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao hơn; cải tạo trên 670 ha vườn tạp trồng các loại cây phù hợp như bưởi, lạc, bí, dưa hấu ở vùng thấp; mía ở vùng thượng, vùng sâu; su su, tỏi tía ở vùng cao. Thực hiện Nghị quyết số 10 của Huyện ủy về phát triển vùng bưởi đỏ, bưởi da xanh, diện tích loại cây trồng này tăng mạnh. Đến tháng 7/2020, diện tích bưởi của huyện đạt 1.105 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 900 ha; sản lượng bình quân 30 tấn/ha, giá bán bình quân 20.000 đồng/quả, thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng/ha, tùy theo mức độ thâm canh của người trồng. Cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế cho người dân. Nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp, đầu tư thâm canh, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với phát triển diện tích bưởi, huyện định hướng phát triển các loại rau ôn đới, nhất là rau su su tại các xã vùng cao. Đến nay, diện tích su su của huyện duy trì khoảng 90 ha, tập trung ở xã Quyết Chiến (65 ha). Su su là loại rau phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng các xã vùng cao, đem lại hiệu quả khá cao cho người dân. Tính trung bình thu nhập rau su su đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha. Huyện cũng chỉ đạo người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm đến xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đăc trưng. Bộ KH&CN đã công nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện như: "Rau su su Quyết Chiến”, "Bưởi đỏ Tân Lạc”, "Quýt Nam Sơn”.
Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc và rau su su Quyết Chiến được người tiêu dùng cả nước biết đến, đánh giá cao, đó là lợi thế để phát triển trong thời gian tới. Định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp của huyện nói chung, sản phẩm rau su su, sản phẩm bưởi sẽ không tăng thêm diện tích trồng mới, mà tập trung chăm sóc, phát triển diện tích đã có theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn hữu cơ đến tay người tiêu dùng. Việc xây dựng, quản lý thương hiệu cho các sản đạt chuẩn OCOP được quan tâm. Trong đó, sản phẩm bưởi đỏ đã được UBND tỉnh công nhận là đạt chuẩn OCOP năm 2019, sản phẩm rau su su đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2020.
Định hướng thời gian tới, huyện tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rau. Hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su tại các xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông. Mở rộng diện tích trồng rau ôn đới gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Linh Trang
Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Dự kiến, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tận dụng được nhiều lợi thế từ EVFTA. Tuy nhiên, cơ hội nào cũng đi kèm thách thức, và giá trị thực sẽ chỉ đạt được nếu các ngành hàng nông nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe vào bậc nhất thế giới của thị trường EU.
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ, thương mại ở thị trấn Bo (Kim Bôi) không ngừng phát triển về cả số lượng và loại hình kinh doanh. Thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn thị trấn, ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển đa dạng mặt hàng kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
(HBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm qua (2015 - 2020), huyện Tân Lạc đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. KT-XH có bước chuyển dịch rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao... Để làm rõ hơn những kết quả đạt được, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Đinh Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” được công nhận cuối tháng 11/2017 đã khẳng định chất lượng sản phẩm tiêu biểu của quê hương Mường Bi. Huyện tiếp tục nâng tầm thương hiệu bằng cách mở rộng diện tích trồng bưởi theo quy trình VietGAP để đóng góp vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh. Trên cơ sở đó, năm 2019, UBND huyện Tân Lạc đăng ký ý tưởng và lựa chọn bưởi đỏ là sản phẩm OCOP.
Khi nguồn vốn ngân sách không thể "gánh” được 150 tỉ USD, Việt Nam cần có những cơ chế đột phá mang tầm chiến lược để thu hút lực lượng tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng sạch, tái tạo.